Kế hoạch 75/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh năm 2023

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2023
Ngày có hiệu lực 15/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 15 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 02/7/2020 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025; theo đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 421/SCT - QLTM2 ngày 16/02/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh năm 2023 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 02/7/2020 của UBND tỉnh trong năm 2023.

- Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử (viết tắt là TMĐT) trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển TMĐT.

- Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt (viết tắt là TTKDTM), từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

- Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp xúc tiến, kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường trong khu vực và trên thế giới.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT trong công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo việc kinh doanh trên các trang TMĐT tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT

- Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành; UBND các địa phương trong tỉnh; các tổ chức, đơn vị có liên quan chủ động, tích cực phối hợp triển khai nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này, nhất là phối hợp kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.

- Các thành phần kinh tế tham gia hoạt động TMĐT cần năng động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường, nguồn lực cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

2. Phấn đấu tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%.

3. Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm thủy sản, 90% sản phẩm nông sản đạt chuẩn tham gia truy xuất nguồn gốc, giao dịch trên sàn thương mại điện tử, chấp nhận các hình thanh toán không dùng tiền mặt.

4. Khuyến khích các giao dịch thương mại tại Km3+4, Cầu Bắc Luân 2 (Móng Cái) thực hiện theo hình thức thương mại điện tử.

5. 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

6. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

7. Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 35%.

8. Tỷ lệ thanh toán tiền điện, nước không sử dụng tiền mặt đạt trên 90%.

9. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng... qua các kênh thương mại điện tử (Tuyên truyền, tập huấn về thương mại điện tử cho 500 lượt cá nhân, doanh nghiệp).

10. Đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn (Hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo, tư vấn cho 200 lượt doanh nghiệp về chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam).

11. 50% các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải (Hành khách, hàng hóa) áp dụng hình thức đặt, mua vé, nhận đơn hàng,... thông qua các phương thức điện tử (Website, hotline, app, ...) và chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch, thanh toán.

12. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quản lý thuế điện tử trong thương mại điện tử, triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; Đa dạng hóa các hình thức thu, nộp thuế không dùng tiền mặt, hiện đại hóa công tác tuyên truyền nhận dữ liệu thu nộp ngân sách nhà nước.

13. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng sử dụng website hoặc tham gia hoạt động trên các sàn thương mại điện tử bất động sản, vật liệu xây dựng; ứng dụng công nghệ để tương tác với khách hàng.

[...]