Kế hoạch 75/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2021
Ngày có hiệu lực 19/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Quyết định số 3700/QĐ-UBND ngày 21/08/2020 của UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 trên địa bàn Thành phố, như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

1. Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

2. Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình tiết kiệm năng lượng ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 triển khai Chương trình góp phần chuyển đổi thị trường về hiệu suất năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Thành phố.

3. Đánh giá tình hình sử dụng năng lượng, kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, mô phỏng năng lượng, phổ biến phương pháp và công cụ dự báo nhu cầu năng lượng, định mức tiêu hao năng lượng, phát triển cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của Thành phố các cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

Năm 2021, Thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,0 - 1,5% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu.

- Đạt chỉ tiêu 50% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng.

- Đạt 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 50% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Đạt chỉ tiêu 60% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.

- Đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn.

- Đạt 45 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 2 đến 3 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp Quốc gia và Khu vực ASEAN.

- Tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; đào tạo và cấp chứng chỉ 25-30 cán bộ quản lý năng lượng.

- Góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: (i) Đối với công nghiệp dệt may: tối thiểu 1,0%; (ii) Đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát: từ 0,5% đến 1,37% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; (iii) Đối với công nghiệp giấy: từ 1,6% đến 3,60% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; (iv) Đối với công nghiệp hóa chất: tối thiểu 1,4%; (v) Đối với công nghiệp sản xuất nhựa: từ 3,6% đến 4,5%.

- Phấn đấu đạt 40% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, công trình xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình,...

- Phổ biến phương pháp và công cụ dự báo nhu cầu năng lượng cho các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành: Công nghệ thực phẩm, sản xuất linh kiện nhựa.

- Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao hiệu suất năng lượng.

- Hỗ trợ các tòa nhà, công trình được công nhận NĂNG LƯỢNG XANH trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao hiệu suất năng lượng.

- Phổ biến phương pháp và công cụ dự báo nhu cầu năng lượng cho các tòa nhà công sở trên địa bàn Thành phố.

- Thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các tòa nhà chung cư cao tầng trên địa bàn quận Hoàng Mai bằng phương pháp đánh giá thiết kế, kiến trúc xây dựng, hệ thống trang thiết bị tiêu thụ năng lượng, khu vực dịch vụ công cộng, hệ thống kỹ thuật dùng chung.

- Phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở theo Tiêu chí của Thành phố, tổ chức công nhận các cơ sở, công trình xây dựng sử dụng NĂNG LƯỢNG XANH năm 2021.

[...]