Kế hoạch 75/KH-UBND về phòng, chống ma túy học đường năm 2020 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 75/KH-UBND
Ngày ban hành 18/03/2020
Ngày có hiệu lực 18/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/KH-UBND

Sơn La, ngày 18 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MA TÚY HỌC ĐƯỜNG NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1236/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng Lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020”; Kết luận số 700-KL/TU ngày 15/8/2019 và Kế hoạch số 179- KH/TU ngày 20/12/2019 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trong công tác phòng, chống ma túy; Thông báo số 1866-TB/TU ngày 06/01/2020 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về ý kiến của Thường trực tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban các cơ quan nội chính năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phòng, chống Ma túy học đường năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, việc thực hiện của các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác phòng, chống ma túy; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống ma túy trong các trường học.

- Tập trung giải quyết, từng bước làm giảm tính chất phức tạp về hoạt động của tệ nạn ma túy trong các trường học trên địa bàn tỉnh; tích cực, chủ động giữ vững và kết hợp xây dựng trường học với xã, phường, thị trấn; bản, tiểu khu, tổ dân phố; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn không có ma túy.

- Tuyên truyền sâu rộng kiến thức về phòng, chống ma túy đến các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, người đứng đầu đơn vị giáo dục, mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên, từ đó tích cực tham gia phòng, chống ma túy trong học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh được tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức về phòng, chống ma túy, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các thành viên trong nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy.

- 100% các trường học tổ chức các hoạt động giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy cho các thành viên và gia đình phụ huynh học sinh.

- Đối với các đơn vị trường học không có tệ nạn ma túy: Duy trì không để phát sinh tệ nạn ma túy; 100% các đơn vị trường học được tập trung chỉ đạo, có sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy.

- 100% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhóm nguy cơ cao được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy; kịp thời ngăn chặn người nghiện ma túy trong các cơ quan, đơn vị giáo dục. Đến hết năm 2020, nâng tổng số các đơn vị trường học không có tệ nạn ma túy của tỉnh lên trên 99,8%.

- 100% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nghiện ma túy bị phát hiện đều phải được lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn và tổ chức cai nghiện, hoặc tham gia điều trị nghiện bằng các liệu pháp điều trị và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Phấn đấu mỗi huyện, thành phố mỗi năm xây dựng được 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại các đơn vị trường học.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy. Không để phát sinh tình trạng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trồng cây có chứa chất ma túy; phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh học sinh triệt xóa 100% diện tích cây có chứa chất ma túy trồng trái phép được phát hiện, không để tồn tại hoạt động sản xuất trái phép chất ma túy.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường đẩy mạnh và phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của các đơn vị giáo dục trong công tác phòng, chống ma túy

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị trường học trong công tác phòng, chống ma túy; kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống ma túy trong học đường.

- Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phòng, chống ma túy trong các trường học.

- Ban hành các kế hoạch chỉ đạo, phối hợp và huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân vào công tác phòng, chống ma túy học đường.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch (của cấp trên) về phòng, chống ma túy trong các trường học.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị giáo dục đối với công tác phòng, chống ma túy; định kỳ có bình xét làm căn cứ để phân loại thi đua.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác PCMT trong các đơn vị trường học

- Phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền tại địa phương để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy, giúp cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên hiểu rõ tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, cách nhận biết các chất ma túy, các triệu chứng của người nghiện ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, cách phòng, chống ma túy và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trong công tác phòng, chống ma túy.

- Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng lực lượng tuyên truyền viên ở các cơ sở, đơn vị giáo dục.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở, đơn vị trường học, hình thành mạng lưới tuyên truyền viên trong các trường học và cộng đồng dân cư.

- Tổ chức các cuộc thi, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề và lồng ghép trong các chương trình giảng dạy, các môn học có liên quan về chủ đề phòng, chống ma túy trong học đường; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền trực tiếp trong các cơ sở, đơn vị trường học và trong nhân dân; tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân tố giác tội phạm về ma túy, người nghiện ma túy trong các trường học; chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp phòng, chống có hiệu quả về ma túy trong học đường.

[...]