Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 749/KH-UBND về công tác pháp chế năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 749/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2022
Ngày có hiệu lực 22/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 749/KH-UBND

Bình Dương, ngày 22 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÁP CHẾ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch công tác pháp chế năm 2022 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động pháp chế; triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, đúng pháp luật nhiệm vụ pháp chế, góp phần thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật tại địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

2. Yêu cầu

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với việc kiện toàn đội ngũ thực hiện công tác pháp chế, bố trí công chức theo hướng kiêm nhiệm ổn định tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác pháp chế nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế.

- Xác định rõ nội dung hoạt động, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện đúng, kịp thời nhiệm vụ công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý đã thành lập Phòng pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách thì tiếp tục duy trì, hoạt động ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, hạn chế thay đổi đội ngũ công chức làm công tác pháp chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn.

2. Nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác pháp chế

- Lãnh đạo các sở, ngành cần quan tâm chỉ đạo tăng cường hiệu quả hoạt động pháp chế, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ pháp chế thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Cử công chức, viên chức, nhân viên pháp chế tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do cấp có thẩm quyền tổ chức đầy đủ, có hiệu quả.

- Sở Tư pháp tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ cán bộ pháp chế sở, ngành; cán bộ, công chức có liên quan đến công tác pháp chế.

3. Hoạt động pháp chế của Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Thủ trưởng các sở, ngành nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác pháp chế theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và Thông tư số 01/2015/TT-BTP. Một số nội dung cụ thể sau:

3.1. Công tác xây dựng pháp luật

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đảm bảo tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo phân công, đảm bảo tiến độ và chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương gửi lấy ý kiến, đảm bảo nội dung và thời hạn theo quy định.

- Chỉ đạo, phân công, giao trách nhiệm bộ phận (công chức phụ trách) pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực do cơ quan mình quản lý; cung cấp thông tin kịp thời, phối hợp với Sở Tư pháp và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập Danh mục văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết theo quy định tại Khoản 1 Điều 27, Khoản 1 Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

3.2. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

- Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công các sở, ngành chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.

- Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Sở, ngành mình tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.

[...]