Kế hoạch 74/KH-UBND đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 12/04/2024
Ngày có hiệu lực 12/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Thiên Văn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 12 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM, GIA TĂNG CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 613/QĐ-BNN-CCPT ngày 28/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Căn cứ Kế hoạch 110/KH-UBND ngày 23/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) và nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

- Thống nhất chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các chương trình, kế hoạch, đề án về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường.

- Nâng cao vai trò của của các ngành, các cấp, các đơn vị đối với công tác đảm bảo chất lượng, ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản; công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực

- Ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch triển khai công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản phù hợp với những quy định mới của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản phù hợp với phân cấp; phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

- Trên 85% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ.

2.2. Về an toàn thực phẩm

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đạt trên 99%.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ, không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt 93,0% trên tổng số cơ sở được thống kê.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10% (so với năm 2023).

- Tỷ lệ cơ sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% (so với năm 2023).

- Tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 20%.

- Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương) tăng 20% so với năm 2023.

- Số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng tăng 20% (so với năm 2023).

- Số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 20% (so với năm 2023).

2.3. Về chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp hữu cơ

- Số lượng sản phẩm OCOP lũy kế được công nhận đạt từ 3 sao trở lên năm 2024 tăng 20% so với năm 2023.

- Số lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp hạng theo bình chọn của Chương trình thương hiệu quốc gia tăng 10% (so với năm 2023).

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt 1,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 1,0% tổng diện tích đất trồng trọt; Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt 1,0% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước; Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 0,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.

[...]