Kế hoạch 72/KH-UBND về thực hiện Chương trình công tác trọng tâm về cải cách tư pháp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 72/KH-UBND |
Ngày ban hành | 21/05/2020 |
Ngày có hiệu lực | 21/05/2020 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Trần Văn Tuấn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/KH-UBND |
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 21 tháng 5 năm 2020 |
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW; Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTP ngày 06/10/2016 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương “Về trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021”; Chương trình số 11-CTr/ BCĐCCTP ngày 21/01/2020 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “Công tác trọng tâm về cải cách tư pháp năm 2020” , Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình công tác trọng tâm về cải cách tư pháp năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích
a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 07/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” (giai đoạn 20162021) nhằm xây dựng nền tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, nghiêm minh.
b) Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.
c) Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan dân cử và của công luận.
2. Yêu cầu
Công tác cải cách tư pháp phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, liên tục, có hiệu quả; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về cải cách tư pháp.
* Nội dung, tuyên truyền, phổ biến: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15/8/2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về “tăng cường công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp”, Kế hoạch số 41- KH/TU ngày 07/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” (giai đoạn 2016-2021), Chương trình số 11- CTr/BCĐCCTP ngày 21/01/2020 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, các đạo luật mới được Quốc hội ban hành và các đạo luật có hiệu lực thi hành đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp.
* Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
* Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp
a) Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, gắn với nội dung, chương trình cải cách tư pháp của từng ngành; công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Hạn chế thấp nhất việc chậm trễ, trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; án sửa, hủy do lỗi chủ quan; tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết các vụ án không đúng quy định của pháp luật hoặc các vụ việc tạm giữ hình sự chuyển sang xử lý hành chính.
b) Tăng cường cải cách thủ tục hành chính tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện việc công khai bản án theo quy định; bảo đảm các bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm túc; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tiến hành tố tụng và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.
* Cơ quan thực hiện:
- Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện phối hợp thực hiện.
* Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3. Thực hiện chế định luật sư và bổ trợ tư pháp
a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư; xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư bảo đảm về số lượng và chất lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn vững vàng; tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; có cơ chế khuyến khích luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
b) Tăng cường công tác giám định, định giá tài sản; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trưng cầu giám định, định giá tài sản với cơ quan giám định, định giá tài sản, bảo đảm đúng thời gian quy định; kết luận giám định, định giá tài sản phải chính xác, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho việc giải quyết vụ án, vụ việc của cơ quan điều tra.
c) Tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định; bảo đảm nguồn tài chính phục vụ công tác giám định, khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động giám định tư pháp; phát huy vai trò của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng trợ giúp pháp lý cho người dân.
d) Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Công chứng; quản lý chặt chẽ hoạt động công chứng, nhất là đối với các Văn phòng Công chứng và hoạt động đấu giá tài sản; triển khai có hiệu quả “Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại” trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực tiến tới thành lập các tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.
* Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Sở, ngành có liên quan.