Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2019 về công tác tư pháp năm 2020 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 139/KH-UBND
Ngày ban hành 27/12/2019
Ngày có hiệu lực 27/12/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 139/KH-UBND

Nam Định, ngày 27 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2020

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phát huy vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác Tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 của tỉnh.

2. Triển khai thực hiện công tác Tư pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực Tư pháp, qua đó góp phần thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

3. Thực hiện nhiệm vụ công tác Tư pháp gắn với nâng cao năng lực, chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Tư pháp, pháp chế trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và công tác pháp chế

1.1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật cho các Sở, ngành, địa phương.

1.2. Tập trung thực hiện tốt, kịp thời nhiệm vụ xây dựng, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng đối với những quy định liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội.

1.3. Tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nhằm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, thực hiện.

1.4. Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền; phát hiện và xử lý ngay những quy định trái pháp luật. Cập nhật thông tin văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, công dân khai thác, sử dụng.

1.5. Tiếp tục đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

2.1. Làm tốt vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Kịp thời tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh, mới được thông qua năm 2019 và năm 2020. Tập trung tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Tiếp cận thông tin...; đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2.2. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” và các chương trình, kế hoạch khác về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang được triển khai tại tỉnh.

Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang triển khai, bảo đảm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ của từng chương trình, đề án.

2.3. Tiếp tục triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên gắn với bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở theo mục tiêu của Đề án “Nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2018 – 2022”.

2.4. Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tiêu chí tiếp cận pháp luật; chú trọng xây dựng nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; công bố, niêm yết công khai danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

2.5. Tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả “Ngày pháp luật” năm 2020 ở các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng.

3. Công tác Trợ giúp pháp lý

3.1. Tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 của tỉnh. Tập trung thực hiện tốt trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, hoàn thành chỉ tiêu Trợ giúp viên tham gia tố tụng; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và năng lực đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tăng cường truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý; chú trọng đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

3.2. Thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS có khó khăn về tài chính, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác.

4. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật

4.1. Đẩy mạnh công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả các văn bản mới ban hành trong lĩnh vực quản lý xử lý vi phạm hành chính. Kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

4.2. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm liên ngành về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường và các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, các lĩnh vực được xác định trọng tâm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chú trọng hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các Sở, ngành và các huyện, thành phố Nam Định.

4.3. Tiếp tục thực hiện cắt giảm Chi phí tuân thủ pháp luật. Tổ chức phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thi hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

5. Công tác Hành chính Tư pháp

[...]