Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2020 về quản lý chất thải rắn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2020
Ngày có hiệu lực 25/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 72/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 25 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Công văn số 676/BTNMT-TCMT ngày 14/02/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch quản lý chất thải rắn để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường chỉ đạo, giám sát đối với công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nói chung, chất thải sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực quản lý và nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn để chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Yêu cầu

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra; từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng gây mất vệ sinh môi trường ở các khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi thói quen của Nhân dân trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; sống thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu có khả năng tái chế, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

a) Công tác phân loại, lưu giữ

- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 03 nhóm sau:

+ Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);

+ Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh);

+ Nhóm chất thải còn lại.

- Chất thải rắn sinh hoạt được lưu giữ trong các thiết bị lưu chứa phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.

- Các tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt được cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

b) Thu gom, vận chuyển

- Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy định; bố trí các thiết bị lưu chứa có kích cỡ phù hợp, bảo đảm tính mỹ quan trên các đường phố chính, các khu thương mại, các điểm tập trung dân cư, quá trình vận chuyển bảo đảm không làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ ra môi trường.

- Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm:

+ Bảo đảm đủ nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng, điểm tập kết, để thu gom, lưu giữ, vận chuyển, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bảo đảm thời gian thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không quá 02 ngày. Thông báo rộng rãi về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom tại các điểm dân cư; trường hợp phân loại được chất thải nguy hại từ chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển thì phải chuyển sang quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển. Đào tạo, trang bị bảo hộ lao động; tổ chức khám bệnh định kỳ, bảo đảm các chế độ cho người lao động tham gia thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

+ Chỉ thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho chủ cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có chức năng phù hợp; có hợp đồng với chủ cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phải được chính quyền địa phương giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để chuyển giao cho Chủ cơ sở tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mỗi lần tiếp nhận, bàn giao chất thải rắn sinh hoạt phải lập biên bản theo quy định. Định kỳ hàng năm báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

c) Xử lý chất thải sinh hoạt

- Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến phân hữu cơ và các công nghệ khác thân thiện với môi trường; Chi phí xử lý chất thải phù hợp với khả năng chi trả của địa phương hoặc không vượt quá mức chi phí xử lý được UBND tỉnh công bố. Bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Chủ cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm:

+ Bảo đảm hệ thống, thiết bị xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định; lập biên bản bàn giao; nhật ký vận hành các hệ thống, thiết bị cho việc xử lý chất thải; sổ theo dõi số lượng chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế được thu hồi từ chất thải rắn sinh hoạt;

+ Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định; địa điểm xây dựng cơ sở xử lý phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh. Báo cáo định kỳ hàng năm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (kỳ báo cáo từ ngày 01/01 đến hết 31/12) theo quy định, trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 31/01 năm tiếp theo.

[...]