Kế hoạch 12766/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 12766/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2021
Ngày có hiệu lực 18/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12766/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Đồng Nai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 4366/SNN-KHTC ngày 13 tháng 9 năm 2021; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, toàn cầu; phát triển du lịch sinh thái, du lịch môi trường rừng, nông lâm kết hợp để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 2,8 - 3,2%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 3 - 3,5%; giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 - 155 triệu đồng/ha.

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương trên 25%; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 10-11 %/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50%; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 9%/năm.

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong độ tuổi trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 11 - 12%[1]; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%; trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020[2].

- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 40%; tăng tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trong sản xuất lên trên 45%[3]; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt trên 45%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 28,3%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt từ 35 - 40%.

II. NHIỆM VỤ ĐẾN NĂM 2025

1. Cơ cấu theo 03 nhóm sản phẩm

a) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia

Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, đồng thời được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (theo Quyết định số 993/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025), như: Lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, rau quả, khoai mì, thịt heo, thịt và trứng gia cầm, tôm (tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng), gỗ và sản phẩm từ gỗ, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần phát triển thương hiệu quốc gia. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

- Lúa gạo: nâng cao hiệu quả đất trồng lúa, giảm diện tích đất trồng lúa còn 20.005 ha (trong đó 16.204 ha đất chuyên trồng lúa); diện tích gieo trồng khoảng 45.000 ha, sản lượng 270.000 tấn/năm. Nâng tỷ lệ diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao trong tổng diện tích gieo trồng lúa từ 70 đến 75%; đa dạng các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo, phụ phẩm của lúa gạo (rơm, rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh tập trung, vùng sản xuất hữu cơ, vùng lúa chất lượng cao tại một số địa phương, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu.

- Cây mì (sắn): giảm diện tích trồng mì xuống còn 8.000 ha, đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất đạt 290 tạ/ha, sản lượng đạt 232.000 tấn. Tăng cường diện tích trồng xen trong vườn tràm, vườn cao su giai đoạn đầu chưa khép tán. Phát triển các vùng sản xuất trồng mì tại các huyện Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu gắn với liên kết cung ứng nguồn nguyên liệu cho các cơ sở, nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.

- Cây cà phê: giảm diện tích xuống còn 8.000 ha, sản lượng khoảng 23.000 tấn. Đẩy mạnh tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Phát triển các vùng sản xuất cà phê gắn với chuỗi liên kết tại một số địa phương, như: Định Quán, Tân Phú.

- Cây cao su: giảm diện tích xuống còn 40.000 ha, sản lượng 55.000 tấn/năm. Đẩy mạnh tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng. Phát triển các vùng sản xuất tập trung tại một số địa phương, như: Xuân Lộc, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu.

- Cây điều: giảm diện tích xuống còn 28.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm. Đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống điều mới để tiếp tục phục vụ tái canh, thay thế vườn điều già cỗi, lẫn tạp, năng suất thấp, chất lượng kém, khuyến khích trồng xen một số loại cây công nghiệp lâu năm phù hợp trên đất trồng điều để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tăng cường đầu tư chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại một số địa phương, như: Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom.

- Cây hồ tiêu: giảm diện tích xuống còn 10.000 ha, sản lượng 25.000 tấn/năm. Tăng diện tích hồ tiêu trồng xen, giảm diện tích hồ tiêu trồng thuần để giảm áp lực về sinh vật gây hại, tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu của tỉnh, rà soát xây dựng các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại một số địa phương, như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú.

- Rau: tăng diện tích gieo trồng lên khoảng 18.000 ha, sản lượng đạt khoảng 350.000 tấn/năm. Áp dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất tốt, rà soát xây dựng các vùng sản xuất rau hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với các nhà máy chế biến. Phát triển các vùng trồng rau tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, như: Long Thành, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.

- Thịt heo: phát triển chăn nuôi heo với các giống cao sản nuôi theo hướng trang trại công nghiệp (chăn nuôi trang trại chiếm trên 94%); tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Ổn định tổng đàn heo là 2,5 triệu con, số heo cai sữa/nái/năm đạt 24 con, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt 98%; sản lượng thịt xẻ đạt 364.000 tấn.

- Thịt và trứng gia cầm: phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp tập trung (chăn nuôi gà 95%; chăn nuôi vịt 69%) tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học. Duy trì đàn gia cầm (gà, vịt) ở mức 24 - 27 triệu con, trong đó đàn gà khoảng 22 - 25 triệu con; sản lượng thịt xẻ đạt 160.000 tấn (trong đó: thịt gà là 138.000 tấn), sản lượng trứng đạt 1.415.000 ngàn quả. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đạt trên 90%.

- Tôm và cá tra: tổng diện tích nuôi tôm khoảng 1.745 ha, trong đó phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao lên 162 ha; sản lượng đạt 3.500 tấn; tỷ lệ nông hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ CPF Combine/công nghệ nuôi tôm hiện đại khác đạt tối thiểu 25%; mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn tỉnh lên 100 ha so với năm 2020, sản lượng đạt trên 150 tấn, tập trung phát triển các vùng nuôi tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tôm nước lợ). Phát triển nuôi cá tra tại các vùng nuôi thuộc huyện Tân Phú, Long Thành, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc với diện tích mặt nước nuôi khoảng 76 ha, sản lượng nuôi đạt 2.100 tấn, tập trung phát triển hạ tầng và hình thành các vùng nuôi tại huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ