Kế hoạch 6667/KH-UBND năm 2022 triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030

Số hiệu 6667/KH-UBND
Ngày ban hành 18/10/2022
Ngày có hiệu lực 18/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6667/KH-UBND

Bến Tre, ngày 18 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Quyết định số 2979/QĐ-BKHCN ngày 14/10/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Công văn số 4320/VPCP-KGVX ngày 12/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; bảo đảm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của tỉnh Bến Tre.

Nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang tính hệ thống, công khai minh bạch, xác thực các thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc kết hợp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truy xuất nguồn gốc kết nối liên thông với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường tính giám sát, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và phục vụ hội nhập quốc tế đối với các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý; chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, các doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

2. Yêu cầu

Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

II. MỤC TIÊU

1. Đến năm 2025

a) Phấn đấu 100% doanh nghiệp, hợp tác xã; 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh được tập huấn, hướng dẫn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

b) Phấn đấu ít nhất 5.000 doanh nghiệp, hợp tác xã; 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các lĩnh vực rau quả tươi, gia súc và gia cầm, thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,... trên địa bàn tỉnh sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

c) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Tỉnh và vận hành, kết nối liên thông với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

2. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030

a) Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Tỉnh đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

b) Hoàn thiện hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

a) Rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc.

b) Xây dựng các tài liệu hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho từng lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa; các chính sách hỗ trợ, các chương trình đổi mới sáng tạo phù hợp với các tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa triển khai truy xuất nguồn gốc.

2. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trên địa bàn tỉnh

a) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 và các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc đến các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đơn vị cung cấp giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, in ấn, phát hành và sử dụng thẻ truy xuất nguồn gốc.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo các nhóm ngành, lĩnh vực cụ thể có nhu cầu xây dựng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Tỉnh.

3. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ