ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3338/KH-UBND
|
Bình Dương, ngày
14 tháng 7 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN “TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC” TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2020-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý
hệ thống truy xuất nguồn gốc”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như
sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ
chức, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về truy xuất nguồn gốc thông
qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên
liên quan.
b) Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã chủ
động áp dụng truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
c) Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy
xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, cung cấp thông tin, kiến thức
thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
d) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc
để đáp ứng hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm
bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người tiêu
dùng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn năm 2020 - 2025
- Triển khai áp dụng 100% các tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia, quốc tế về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng
đến các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với
nhóm sản phẩm, hàng hóa như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các
sản phẩm, hàng hóa ưu tiên phát triển của tỉnh, triển khai thí điểm xây dựng,
áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại 05 đơn vị.
- Ít nhất 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số mã vạch tại tỉnh Bình Dương có
hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo
khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của
doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
- Định hướng nghiên cứu xây dựng, áp dụng và phát
triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn
gốc của tỉnh, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc
gia.
b) Định hướng giai đoạn năm 2026 - 2030
- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân
trong việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
- Đảm bảo ít nhất 70% các doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số mã vạch tại tỉnh
Bình Dương có hệ thống truy xuất nguồn gốc đủ điều kiện kết nối với hệ thống quản
lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
- Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập
nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh vào hệ thống
truy xuất nguồn gốc của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản
phẩm, hàng hóa quốc gia.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, phổ biến, đào
tạo và tập huấn về các hoạt động truy xuất nguồn gốc
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, tài
liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; quảng bá và nâng cao nhận thức về sự cấp
thiết, lợi ích của truy xuất nguồn gốc, nội dung của Đề án, tiêu chuẩn quốc
gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thông tư quản lý mã số, mã vạch và truy xuất
nguồn gốc thông qua các hội nghị, hội thảo, trang thông tin điện tử, Báo Bình
Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương và các phương tiện truyền thông
trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
các đơn vị có liên quan tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân
tham gia sản xuất, kinh doanh có nhu cầu xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất
nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; giúp các các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ về lợi
ích của việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các giải pháp
truy xuất nguồn gốc kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia và được chấp
nhận ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
2. Triển khai, áp dụng thí điểm
hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh
a) Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến
khích, thu hút các tổ chức, cá nhân áp dụng, cung ứng dịch vụ, tham gia sản xuất,
kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
b) Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng, các đơn vị có liên quan triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc
đối với một số sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn
tỉnh.
c) Vận động, hướng dẫn các các tổ chức, cá nhân hoạt
động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa
bàn tỉnh triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
d) Đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng hệ
thống truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa
trong khuôn khổ Chương trình quốc gia.
3. Nghiên cứu và xây dựng hạ tầng
kỹ thuật cần thiết cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh
a) Nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ mới
phù hợp, tối ưu trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
b) Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết
cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.
c) Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất
lượng, các đơn vị có liên quan tư vấn, chuyển giao giải pháp truy xuất nguồn gốc
đủ điều kiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
quốc gia.
4. Tăng cường xã hội hóa và tận
dụng các nguồn lực trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc
a) Xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích,
thu hút doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc
từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp.
b) Huy động nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch
của Chính phủ, Bộ, ngành, cơ quan liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ
thống truy xuất nguồn gốc.
III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ các nguồn: vốn
ngân sách nhà nước, vốn tài trợ trong nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn
huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó nguồn ngân sách
nhà nước được sử dụng để: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn
về truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới.
2. Việc quản lý và sử dụng kinh phí triển khai Kế
hoạch thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật hiện
hành.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan
thường trực giúp Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý
nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc; chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết
và dự toán hàng năm, trung hạn để triển khai Kế hoạch này; xây dựng, vận hành
và quản lý Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của
tỉnh kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc
gia; hướng dẫn việc khai thác và sử dụng hiệu quả Cổng thông tin truy xuất nguồn
gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện và
vận hành; tham mưu xây dựng các chính sách và tổ chức, thực hiện hỗ trợ các tổ
chức, cá nhân xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị, năng
suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong khuôn khổ Chương trình quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường
Chất lượng, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, phổ
biến văn bản pháp luật, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia và tài liệu hướng dẫn, áp dụng về hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sở,
ban, ngành địa phương và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
- Chủ trì các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo để áp dụng, cải tiến trong hoạt động truy xuất nguồn gốc tỉnh.
- Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
các đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đảm bảo khả
năng trao đổi và kết nối tới Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng
hóa quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng
danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên; nhóm các sản phẩm bắt buộc
để triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh, ưu tiên thị trường xuất khẩu
và yêu cầu vệ sinh, an toàn.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan triển khai Kế hoạch; kiểm tra, giám sát các hoạt động về truy xuất nguồn gốc;
hướng dẫn thực hiện các văn bản, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ duy trì,
phát triển hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng); Tổ chức
sơ kết tình hình triển khai Kế hoạch.
2. Các Sở quản lý chuyên
ngành
Các Sở quản lý chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc
có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện
tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia và tài liệu hướng dẫn, áp dụng về hệ thống truy xuất nguồn gốc.
- Tổ chức triển khai, xây dựng hệ thống truy xuất
nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh thuộc ngành quản lý,
theo yêu cầu quản lý của các Bộ và cơ quan liên quan; thực hiện việc kết nối tới
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
- Phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá
nhân đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi và kết nối tới Cổng thông tin truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
- Phối hợp thực hiện quản lý, giám sát và xử lý vi
phạm trong việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại địa phương.
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý hoạt
động truy xuất nguồn gốc trong phạm vi được phân công về Sở Khoa học và Công
nghệ, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Ngoài những nhiệm vụ nêu
trên, các Sở ngành có liên quan thực hiện:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xác định, đề xuất danh mục sản phẩm, hàng hóa thực
phẩm nông lâm, thủy sản, nhóm sản phẩm trọng điểm, hàng hóa ưu tiên, đặc thù của
địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc thẩm quyền quản lý.
- Cập nhật, giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh
doanh các sản phẩm, hàng hóa thực phẩm nông lâm, thủy sản tham gia thí điểm xây
dựng, áp dụng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc.
- Nghiên cứu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng
mắc trong quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thuộc thẩm quyền
quản lý.
b) Sở Y tế
- Xác định, đề xuất danh mục sản phẩm, hàng hóa đối
với thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhóm sản phẩm trọng điểm, hàng hóa ưu tiên, đặc
thù của địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc thuộc thẩm quyền quản lý.
- Cập nhật, giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh
doanh các sản phẩm, hàng hóa đối với thực phẩm, thuốc chữa bệnh tham gia thí điểm
xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc.
- Nghiên cứu, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng
mắc trong quá trình triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thuộc thẩm quyền
quản lý.
c) Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí truyền thông tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về
công tác truy xuất nguồn gốc bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả.
- Tham mưu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin
nhằm quản lý, kết nối vào hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh và Cổng thông
tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan xem xét
đánh giá và đề xuất giải pháp nhằm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách và
dự toán do Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi Sở
Tài chính để tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo thẩm
quyền.
4. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện
tuyên truyền, phổ biến cho thành viên hợp tác xã để nâng cao nhận thức về truy
xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
- Vận động thành viên hợp tác xã tham gia thí điểm
xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc.
5. Hội Nông dân tỉnh
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện
tuyên truyền, phổ biến cho cho hội viên nông dân để nâng cao nhận thức về truy
xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
- Giới thiệu các hội viên nông dân sản xuất, kinh
doanh giỏi tham gia thí điểm xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn
gốc.
6. Ủy ban nhân dân các huyên,
thị xã, thành phố
- Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện
thông tin, tuyên truyền, quản lý, giám sát việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn
gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
- Phối hợp các sở, ngành giám sát việc áp dụng hệ
thống truy xuất nguồn gốc tại địa phương.
7. Doanh nghiệp tham gia thực
hiện truy xuất nguồn gốc
- Nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện đầy đủ các quy định
về xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Chủ động tham gia ứng dụng công nghệ thông tin,
truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án “Triển khai,
áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Căn cứ nội dung Kế hoạch, Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện; Trong
quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Khoa học
và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ KH&CN (b/c);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành(19);
- Liên minh HTX, Hội ND tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP, Dg, TH;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Mai Hùng Dũng
|