Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Vũ Thu Hà
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Quyền dân sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM, CHĂM SÓC TRẺ EM MỒ CÔI GIAI ĐOẠN 2023-2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thực hiện Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 (gọi tắt là Quyết định số 1591), căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Kế hoạch), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Trẻ em được chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi trên địa bàn Thành phố được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em nhằm thực hiện hiệu quả quyền của trẻ em.

2. Yêu cầu

Các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Bảo đảm việc lồng ghép và gắn việc thực hiện mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch với các Kế hoạch liên quan như Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 03/6/2021 thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 24/6/2021 thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 06/9/2022 thực hiện Chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 14/11/2022 phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025;…

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

- Phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.

- Đảm bảo 100% trẻ em mồ côi được quan tâm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ trong nhóm trẻ em không nơi nương tựa theo quy định được chăm sóc thay thế bởi người thân thích, cá nhân, gia đình không phải là người thân thích, được nhận làm con nuôi hoặc được chăm sóc nuôi dưỡng tạm thời, tại các cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.

2. Đối tượng

- Trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trẻ em mồ côi bao gồm trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Phạm vi thực hiện: trên toàn Thành phố

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình.

Rà soát, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện các chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe t âm thần, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung.

2. Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em mồ côi

- Nội dung truyền thông

Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhất là các chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, cam kết trách nhiệm và thúc đẩy hành động, sự tham gia tích cực của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cộng đồng, gia đình, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em.

Chú trọng cung cấp các kiến thức về quyền trẻ em, kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, người nhận chăm sóc thay thế trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc, nuôi dưỡng và chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi.

- Hình thức truyền thông

Xây dựng các sản phẩm, tài liệu truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng, vùng, miền.

Tổ chức các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú trực tiếp và gián tiếp như: truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng và truyền thông đến các gia đình, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và tại cộng đồng; truyền thông lồng ghép trong các sự kiện, hoạt động cộng đồng…

3. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đặc biệt là cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên, đội ngũ nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội tại cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng

[...]