Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Thái Bình

Số hiệu 66/KH-UBND
Ngày ban hành 29/08/2018
Ngày có hiệu lực 29/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Đặng Trọng Thăng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Thái Bình, ngày 29 tháng 08 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT Số 76/NQ-CP NGÀY 18/6/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, TỈNH THÁI BÌNH.

I. SỰ CẦN THIẾT

Công tác phòng, chống thiên tai đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng và công trình phòng, chống thiên tai ngày càng tốt hơn; ứng dụng khoa học công nghệ trong chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã có nhiều bước tiến, tạo sự ổn định, niềm tin trong nhân dân. Song, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Người dân ở một số nơi còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác phòng, chống thiên tai; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; tổ chức bộ máy còn bất cập, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai thiếu cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội chưa lường hết được những tác động của thiên tai và rủi ro thiên tai.

Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ, dông, lốc, mưa đá, xâm nhập mặn...); đặc biệt năm 2017, tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình nhưng gây ra nhiều đợt mưa lớn, nước dâng, đã xuất hiện trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Vì vậy, đòi hỏi tỉnh Thái Bình phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội.

2. Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

3. Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới.

4. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020.

- 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trong tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai.

- 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

- Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là đê điều, thủy lợi, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai.

- 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.

IV. GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

1. Thể chế, chính sách:

- Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế địa phương xây dựng, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo đồng bộ, khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; có chế tài để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật trong phòng, chống thiên tai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

- Ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

- Hoàn chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết và quy hoạch đê điều các tuyến sông có đê tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch thủy lợi chi tiết tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Tổ chức, bộ máy:

- Kiện toàn, nâng tầm hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; tăng cường trách nhiệm cá nhân của thành viên Ban Chỉ huy thực hiện nhiệm vụ được phân công.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ