Kế hoạch 646/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 186-KH/TU thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Bắc Kạn ban hành

Số hiệu 646/KH-UBND
Ngày ban hành 27/09/2023
Ngày có hiệu lực 27/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 646/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 27 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 186-KH/TU NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 2023 CỦA TỈNH ỦY BẮC KẠN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Kế hoạch số 186-KH/TU ngày 25/7/2023 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kế hoạch số 186-KH/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 186-KH/TU như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện Kế hoạch số 186-KH/TU phải được tiến hành nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Triển khai thực hiện Kế hoạch số 186- KH/TU cần đồng bộ với các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, dự án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch số 186-KH/TU và Kế hoạch này để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương và đảm bảo đúng với các quy định của pháp luật hiện hành liên quan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trình độ trung cấp giáo dục nghề nghiệp đạt từ 30 - 35% theo kế hoạch phân luồng của UBND tỉnh; học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trình độ cao đẳng đạt 15% trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong toàn tỉnh.

- Thực hiện đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có các kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản đạt 80% trở lên.

- Phấn đấu Trường cao đẳng Bắc Kạn đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; Thực hiện đào tạo khoảng 6 đến 8 ngành, nghề trọng điểm; 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và 60% chương trình được cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

- Phấn đấu tỷ lệ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, quản trị lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt 60%.

2.2. Đến năm 2030

- Phấn đấu thu hút 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

- Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 40% lực lượng lao động.

- Phấn đấu Trường Cao đẳng Bắc Kạn có khoảng từ 7 đến 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 70% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và 60% chương trình đào tạo được cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

- Phấn đấu tỷ lệ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, quản trị lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt 70%.

- Phấn đấu tiếp cận trình độ đào tạo các nước ASEAN-4; Có 2 đến 3 ngành, nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh trong nước về chất lượng đào tạo.

2.3. Phấn đấu đến năm 2045: Giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động; có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; Trường Cao đẳng Bắc Kạn trở thành trường chất lượng cao, đào tạo đa ngành nghề, trong đó có các ngành nghề đạt trình độ các nước ASEAN-4 và một số nước phát triển.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

[...]