Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2023 thực hiện Kế hoạch 131-KH/TU thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 121/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2023
Ngày có hiệu lực 07/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 131-KH/TU NGÀY 29/6/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW NGÀY 04/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 21-CT/TW) và Kế hoạch số 131-KH/TU ngày 29/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW (sau đây viết tắt là Kế hoạch số 131-KH/TU), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch số 131-KH/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

2. Yêu cầu

- Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch số 131-KH/TU và Kế hoạch này để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, đúng quy định của pháp luật có liên quan.

- Việc triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch số 131-KH/TU và Kế hoạch này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, khả thi; quá trình tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm.

II. MỤC TIÊU

- Đến năm 2030 phấn đấu thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.

- Đến năm 2045, phấn đấu đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

- Chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, quản lý trong tổ chức triển khai thực hiện công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đưa nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị ,địa phương.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện đầy đủ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; quán triệt thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, của nhân dân về giáo dục nghề nghiệp

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

- Huy động các nguồn lực để tham gia truyền thông, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện có hiệu quả nội dung giáo dục nghề nghiệp trong các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đào tạo nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, người khuyết tật, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, các đối tượng yếu thế.

- Rà soát, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và đúng quy định của pháp luật.

- Hoàn thiện và khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp để phục vụ quản lý và đào tạo; Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp.

- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

4. Nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

- Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch quốc gia. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động tại địa phương; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

[...]