Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 36/KH-UBND thực hiện "Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025" năm 2024

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 23/01/2024
Ngày có hiệu lực 23/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Giàng Thị Dung
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Lào Cai, ngày 23 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” NĂM 2024

Căn cứ Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 (viết tắt Đề án số 06- ĐA/TU); Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 08/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện - nguồn nhân lực - khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 1181/QĐ- UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025” (viết tắt Quyết định số 1181-QĐ-UBND);

Căn cứ Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2024 tỉnh Lào Cai;

Căn cứ Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 12/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 217-KH/TU ngày 04/7/2023 của Tỉnh ủy Lào Cai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025.

Căn cứ Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 tỉnh Lào Cai.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai (lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp) và Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2024.

- Triển khai đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động để chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện Đề án.

2. Yêu cầu

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.

- Đào tạo nghề cho người lao động phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt quan tâm đến chất lượng giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo về cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị, chương trình, giáo trình, gắn với mô hình sản xuất tiến bộ, lấy người học làm trung tâm, giúp cho người học tiếp cận và làm theo những mô hình, điểm trình diễn đã có; đội ngũ giảng viên có năng lực và trình độ, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, có kinh nghiệm trong sản xuất và có khả năng thực hành tốt.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh và trên phạm vi cả nước; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại và trong nội bộ từng ngành.

2. Mục tiêu cụ thể

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 12.000 người trong đó:

+ Trình độ cao đẳng, trung cấp: 5.200 người.

+ Sơ cấp và dưới 3 tháng: 6.800 người.

Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68,8%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 31%.

(Có Biểu số 01 kèm theo)

- Ngành nghề đào tạo: Tập trung đào tạo các nghề thuộc các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như:

+ Lĩnh vực du lịch và dịch vụ: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn; Quản lý du lịch; Hướng dẫn du lịch; pha chế đồ uống; Chế biến món ăn; Chế biến bánh; Nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar; Kỹ năng du lịch cộng đồng; Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; Nghiệp vụ Spa-massage; Kỹ thuật Nail-Uốn mi, nối mi; Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc; Y - dược; Điều dưỡng; logitics; Thương mại điện tử...

- Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: Công nghệ ô tô; điện công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật Gò hàn; sửa chữa cơ khí nhỏ nông thôn; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí ; Cốt thép hàn; Hàn; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Vận hành nhà máy thủy điện;...

- Lĩnh vực nông nghiệp: Tập trung đào tạo nghề cho các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; sản xuất theo chuỗi; sản xuất tuần hoàn; kinh doanh nông nghiệp và một số nghề mới như: Giám đốc Hợp tác xã; ứng dụng cơ giới hóa; ngành nghề nông thôn và OCOP…

[...]