Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 tại tỉnh Yên Bái

Số hiệu 64/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2015
Ngày có hiệu lực 15/05/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Ngô Thị Chinh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

Yên Bái, ngày 15 tháng 5 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TẠI TỈNH YÊN BÁI, NĂM 2015

Thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015; Công văn số 727/LĐTBXH-ATLĐ ngày 05/3/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015; theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 58/TTr-SLĐTBXH ngày 04/5/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 tại tỉnh Yên Bái, năm 2015 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người, cháy nổ được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Giảm 5% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người so với năm 2014.

2. Phấn đấu 90% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn - vệ sinh lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động được tham gia huấn luyện; trên 10% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn - vệ sinh lao động.

3. Trên 85% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp. 100% người lao động được xác nhận làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hàng năm được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động

a) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động

Tổ chức tập huấn đối với cán bộ quản lý nhà nước về an toàn - vệ sinh lao động tại địa phương, trong đó ưu tiên các đối tượng là người làm công tác an toàn vệ sinh lao động làm việc tại các ban quản lý khu công nghiệp, cán bộ theo dõi công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các địa phương.

Tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác an toàn - vệ sinh lao động do Trung ương tổ chức.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý công tác an toàn - vệ sinh lao động

Tổ chức các lớp huấn luyện về xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động cho người làm công tác an toàn vệ sinh lao động hoặc người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý an toàn - vệ sinh lao động và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn - vệ sinh lao động

Các địa phương thống kê liên tục người dân tại địa phương bị chết do tai nạn lao động trong năm 2015 ngay khi người dân đến khai tử để làm cơ sở theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn - vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại Công văn số 727/LĐTBXH-ATLĐ ngày 05/3/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

d) Hỗ trợ mua các máy móc, thiết bị phục vụ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động tại địa phương

Tiếp tục trang bị các máy móc, thiết bị phục vụ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động tại địa phương theo hướng dẫn tại Quyết định số 270/QĐ-LĐTBXH ngày 12/3/2014 của Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành chuẩn trang thiết bị phục vụ nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn lao động, vệ sinh lao động thuộc Dự án 1, Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015.

2. Phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động

a) Triển khai hiệu quả mô hình phòng, chống bệnh nghề nghiệp phổ biến trong các ngành khai thác mỏ, xây dựng và ngành y tế

Tiếp tục đánh giá và hoàn thiện các mô hình quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, trong đó tập trung: Đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe, lập hồ sơ vệ sinh lao động, đo môi trường lao động; giám sát sức khỏe người lao động (khám tuyển, khám định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ sức khỏe người lao động...); tư vấn, hướng dẫn báo cáo việc thực hiện các biện pháp cải thiện lao động, môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Triển khai mở rộng mô hình thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, hội thảo chuyên đề, tuyên truyền mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp và bảo vệ sức khỏe người lao động.

b) Nâng cao năng lực đo, giám sát môi trường lao động thông qua hỗ trợ thiết bị, tập huấn kỹ năng giám sát môi trường lao động

Tiến hành rà soát nhu cầu, xây dựng tài liệu đào tạo và tổ chức tập huấn, tổ chức đào tạo giảng viên, huấn huyện cho cả cơ sở y tế và cán bộ an toàn tại cơ sở, tập huấn kỹ năng giám sát môi trường lao động, tập huấn cho cán bộ y tế lao động tuyến tỉnh, huyện, cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về giám sát môi trường lao động do các đơn vị trung ương tổ chức, tiến hành đánh giá kết quả trước và sau đào tạo.

Hỗ trợ thiết bị giám sát môi trường lao động theo danh mục trang thiết bị giám sát môi trường lao động được quy định tại Chuẩn quốc gia về y tế dự phòng và Thông tư số 19/2011/TT-BYT của Bộ y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp và theo hướng dẫn tại Công văn số 727/LĐTBXH-ATLĐ ngày 05/3/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Nâng cao năng lực khám, chẩn đoán, điêu trị, phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế lao động các tuyến về chẩn đoán, giám định, điều trị bệnh nghề nghiệp và căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh để nghiên cứu bổ sung trang thiết bị phòng, chống bệnh nghề nghiệp theo Quyết định số 4696/QĐ-BYT ngày 27/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Chuẩn quốc gia Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2008-2015; Thông tư số 19/2011/TT-BYT về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp.

[...]