Kế hoạch 64/KH-BGDĐT năm 2020 về truyền thông phòng, chống dịch bệnh nCoV trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 64/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 06/02/2020
Ngày có hiệu lực 06/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hữu Độ
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NCOV TRONG TRƯỜNG HỌC

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chủ động thông tin rộng rãi, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Giải thích, hướng dẫn rõ cách phòng, chống, các biện pháp ứng phó có hiệu quả, góp phần đảm bảo vệ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là các bậc phụ huynh về các giải pháp nhằm ứng phó, phòng, chống dịch bệnh nCoV.

2. Yêu cầu

a) Nội dung truyền thông tập trung vào:

- Những chỉ đạo, điều hành của Bộ đối với việc phòng, chống dịch bệnh nCoV.

- Hoạt động và kết quả triển khai việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

- Phối hợp của ngành Giáo dục với các cấp, các ngành trong việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh.

- Nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề báo chí, dư luận phản ánh; thông tin đầy đủ kết quả xử lý cho báo chí, dư luận.

b) Tổ chức truyền thông chủ động, kịp thời, minh bạch và đầy đủ.

c) Công tác truyền thông bám sát các chỉ đạo, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Giáo dục và Đào tạo; bám sát các khuyến cáo của WHO, ngành Y tế; bám sát diễn biến dịch trong và ngoài nước.

d) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương.

II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh

- Truyền thông rộng rãi các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh của Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo của Bộ.

- Truyền thông hoạt động chỉ đạo phòng chống, ứng phó với dịch của Ban Chỉ đạo Bộ: Hội nghị trực tuyến với 63 sở giáo dục và đào tạo; nắm bắt tình hình và các biện pháp nhằm bảo vệ lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc và các nước trên thế giới; các đoàn kiểm tra phòng chống dịch tại địa phương, cơ sở giáo dục...

- Xây dựng, triển khai kịch bản truyền thông theo các tình huống diễn biến của dịch bệnh nCoV và dịch bệnh mùa đông xuân có thể xảy ra trong trường học theo kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Căn cứ trên các tài liệu, khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong trường học, gửi đến từng trường học thông qua hệ thống chuyển tải dữ liệu toàn ngành và đăng tải trên các Cổng thông tin, trang thông tin của Bộ, của sở và các cơ sở giáo dục.

- Thiết lập kênh thông tin ngành, chuyển tải liên tục các thông tin liên quan đến phòng chống dịch bệnh tới từng cơ sở giáo dục.

- Truyền thông các địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt công tác phòng, chống, ứng phó với dịch.

2. Truyền thông hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch

- Truyền thông các văn bản chỉ đạo về việc hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh nCoV.

- Truyền thông làm rõ lý do cho học sinh nghỉ học:

+ Đây là lần đầu tiên xảy ra dịch bệnh trên diện rộng; dịch bệnh lây lan nhanh và chưa xác định được cơ chế lây lan; trong khi trẻ em, học sinh nhỏ tuổi chưa có hiểu biết về bệnh dịch và khả năng tự bảo vệ còn hạn chế. Vì vậy, việc cho nghỉ là cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trong giai đoạn dịch đang có những diễn biến phức tạp.

+ Các trường học vừa qua kỳ nghỉ tết nên môi trường trường học cần phải được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên. Nghỉ học sẽ giúp các nhà trường có thời gian thực hiện việc vệ sinh phòng dịch bệnh và chuẩn bị tốt nhất đón học sinh trở lại trường học.

+ Do tính chất phức tạp của người nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến bãi... nên việc cho học sinh nghỉ vào thời điểm đang triển khai các biện pháp phòng tránh và khống chế dịch là cần thiết.

[...]