Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 63/UBND-NC năm 2013 đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ những tháng cuối năm và Tết Giáp Ngọ - năm 2014 do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 63/UBND-NC
Ngày ban hành 04/11/2013
Ngày có hiệu lực 04/11/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Sinh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/UBND-NC

Thái Bình, ngày 04 tháng 11 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG, PHÒNG CHỐNG CHÁY, NỔ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM VÀ TẾT GIÁP NGỌ - NĂM 2014

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông", Nghị quyết số 37/2012/NQ13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về phòng chống tội phạm, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 20/7/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo; Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ những tháng cuối năm và Tết Giáp Ngọ - năm 2014, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tăng cường, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và cán bộ nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, bọn phản động; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

2. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18-CT/TW, Nghị quyết số 37/2012/NQ13, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 và Nghị định 36/2009/NĐ-CP; chủ động phòng chống cháy, nổ; tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 chỉ số, không để ùn tắc giao thông, đua xe trái phép và tai nạn giao thông đường thủy.

3. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ công nhân, viên chức; chủ động có phương án bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị; tổ chức vui Tết, đón xuân an toàn và tiết kiệm.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Kiện toàn các Ban chỉ đạo các cấp, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; chủ động có kế hoạch phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở phối hợp đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014 (sau đây gọi là Tết Nguyên Đán).

2. Tăng cường công tác phối hợp, nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; bọn phản động lưu vong, không để móc nối, liên kết với đối tượng xấu trong tỉnh tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại, gây cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên Đán.

Chủ động giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của quần chúng nhân dân liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường và những nơi phát sinh phức tạp mới, không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng kích động đông người lên các cấp khiếu kiện, gây rối trong dịp Tết Nguyên Đán.

3. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó phát huy các hình thức tuyên truyền đã có hiệu quả như: Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu, biển tường, tọa đàm, xét xử lưu động các vụ án… gắn với tuyên truyền lưu động, triển lãm thông tin ảnh; nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ đề về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Kiện toàn, duy trì hoạt động của các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; nhân rộng các mô hình dòng họ, gia đình an toàn về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy… Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng dân cư.

4. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực điều hành của các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, xây dựng cơ bản, bảo vệ môi trường thực hiện chính sách xã hội, nhất là đối với người có công, người nghèo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội.

Tổng kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các vi phạm công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhất là các loại hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhà nghỉ, khách sạn…; quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa; các cơ sở hành nghề y dược tư nhân… không để tội phạm lợi dụng hoạt động; tập trung địa bàn thành phố, thị trấn, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự.

5. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp, thu hồi, tố giác các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Có phương án tăng cường cán bộ xuống cơ sở, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phát huy vai trò trách nhiệm nòng cốt, xung kích của lực lượng công an để triển khai đồng bộ các biện pháp công tác tuyên truyền, vận động ký cam kết, rà soát, gọi hỏi, răn đe, xử lý các đối tượng có biểu hiện vi phạm, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, thu hồi triệt để không để xảy ra đốt pháo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

6. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và phòng, chống cháy nổ. Huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, tập trung vào xe ô tô tải, xe khách, container… thường hay mắc lỗi, nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, góp phần làm giảm 3 chỉ số về tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép và tai nạn giao thông đường thủy.

Tăng cường phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy; duy trì kiểm tra định kỳ mỗi tháng một lần và kiểm tra đột xuất; kiên quyết đình chỉ hoạt động những bến đò mở trái phép, bến đò không bảo đảm an toàn, thông báo cho chính quyền địa phương biết để cùng phối hợp quản lý; kiểm tra an toàn các bến bãi, các phương tiện gia dụng hoạt động trên sông nội đồng.

Chủ động có phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông đợt Tết Dương lịch, Lễ Nô en, Tết Nguyên Đán và Lễ hội đầu xuân 2014.

Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm; kịp thời kiến nghị khắc phục ngay những sơ hở thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; không để xảy ra các vụ cháy, nổ nghiêm trọng.

7. Liên tục tấn công, trấn áp các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, gây án nghiêm trọng; đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Kiểm tra ngăn chặn không để xảy ra đầu cơ, nâng ép giá gây rối thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bia rượu, bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên Đán và các loại giống phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng tuyên truyền, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về công tác đảm bảo an ninh trật tự; thường xuyên phản ánh tình hình về an ninh trật tự; cảnh báo các phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm; cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… để cán bộ, nhân dân biết, tích cực tham gia hưởng ứng, phòng ngừa, đấu tranh. Phản ánh kịp thời kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở để động viên, khích lệ phong trào.

Rà soát, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm trong việc xuất bản, in ấn, hoạt động văn hóa…, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong từng lĩnh vực; không để tán phát những tài liệu xấu, đồi trụy, kích động bạo lực… ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống trong nhân dân, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

2. Sở Giáo dục và Đào đạo: Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo an ninh trật tự; trong đó, tập trung vào việc đảm bảo an ninh học đường, chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Chủ động phối hợp Công an tỉnh tổng kiểm tra vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo ở tất cả các cấp học, bậc học để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm của học sinh, sinh viên và xử lý liên đới trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý.

3. Sở Tư pháp, Hội đồng Phổ biến giáo dục các cấp biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tự giác chấp hành.

[...]