Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 6235/KH-BCT năm 2017 về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 6235/KH-BCT
Ngày ban hành 12/07/2017
Ngày có hiệu lực 12/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Đỗ Thắng Hải
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6235/KH-BCT

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TRONG KINH DOANH XĂNG DẦU

Thực hiện Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu của các thương nhân theo quy định của pháp luật, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

b) Qua kiểm tra phát hiện những vấn đề bất cập về chính sách; pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

2. Yêu cầu

a) Phải phân định đúng thẩm quyền từ Trung ương xuống địa phương để tránh chồng chéo; nêu cao trách nhiệm, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không tiêu cực, bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong nhập khẩu, sản xuất kinh doanh xăng dầu của các thương nhân; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.

b) Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định về kinh doanh xăng dầu để làm căn cứ kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong quản lý nhập khẩu, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu.

c) Quá trình thực hiện kế hoạch không gây tác động xấu đến giá cả thị trường xăng dầu trên địa bàn toàn quốc; không làm ảnh hưởng hoặc gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân được diễn ra bình thường.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm

1.1. Giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đôn đốc, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sau:

a) Nội dung kiểm tra:

- Tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các thương nhân nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, tập trung vào các thương nhân có dấu hiệu vi phạm; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; việc duy trì các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh xăng dầu; hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối; Kiểm tra hợp đồng đại lý, hóa đơn chứng từ hàng hóa; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết;

- Phối hợp với các lực lượng Công an, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.

b) Đối tượng kiểm tra: các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

c) Địa bàn kiểm tra: triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước, trọng điểm tại các địa bàn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp.

1.2. Giao Vụ pháp chế:

Chủ trì phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Vụ thị trường trong nước và các đơn vị có liên quan, kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

1.3. Giao Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc chấp hành các qui định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xử lý các tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, cửa hàng bán lẻ có hành vi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu, về đo lường, chất lượng. Giám sát chặt chẽ các trường hợp đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật;

- Rà soát qui hoạch hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn, có biện pháp loại bỏ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không nằm trong quy hoạch, các điểm bán lẻ xăng dầu trái phép;

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương;

- Tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389ĐP trong việc tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của mạng lưới phân phối bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo qui định;

- Chủ động báo cáo về Bộ Công Thương tình hình kinh doanh xăng dầu, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

[...]