Kế hoạch 622/KH-UBND năm 2021 về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu 622/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2021
Ngày có hiệu lực 19/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Nguyễn Trung Thảo
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 622/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

Thực hiện Quyết định số 4600/QĐ-BNN-TCTL ngày 13/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết ban hành kế hoạch

a) Thực trạng cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có 3.563 công trình thủy lợi cấp nước tưới đã được đầu tư ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 1.743 công trình, cụm công trình có quy mô tưới trên 2ha, 1.820 hệ thống công trình có quy mô tưới dưới 2ha. Tổng chiều dài kênh mương 4.210km (đã kiên cố khoảng 2.520km, còn lại là kênh đất). Hiện tại, các công trình thủy lợi chủ yếu tưới cho lúa, đối với cây hoa màu và cây công nghiệp chỉ tưới được một phần.

Do điều kiện địa hình miền núi phức tạp, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, cao độ địa hình đồng ruộng không đều. Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa được đầu tư xây dựng. Một số công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực của nhân dân, song do thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp thường xuyên nên nhiều công trình sau khi được đầu tư đã xuống cấp. Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, cần thiết phải đầu tư đồng bộ công trình từ đầu mối đến mặt ruộng.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kết quả diện tích được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với cây trồng cạn hiện nay là 21,3ha (đạt 0,0245% so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp), lúa và các loại cây trồng khác không có. Vì vậy, cần thiết phải tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để đáp ứng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

b) Thực trạng quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh hiện nay được bàn giao cho ban quản lý thủy nông cấp xã trực tiếp quản lý và khai thác. Cả tỉnh hiện có 138 Ban quản lý thủy nông cấp xã và 01 hợp tác xã. Ban quản lý làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ 3.498 cụm công trình thủy lợi nhỏ phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh, yêu cầu kỹ thuật vận hành đơn giản, diện tích tưới liên thôn, xóm trong phạm vi xã.

Các thành viên trong ban quản lý thủy nông xã, gồm: Ban điều hành có từ 5 - 7 thành viên là cán bộ UBND xã kiêm nhiệm, dưới các ban quản lý thủy nông là các tổ thủy nông hoặc các hội dùng nước, gồm các thành viên do người hưởng lợi từ công trình cử ra để làm nhiệm vụ vận hành, điều tiết nước tưới...số lượng thành viên của tổ căn cứ diện tích tưới, phạm vi tưới của công trình thường có 1 - 3 thành viên. Loại hình quản lý khai thác công trình thủy lợi do ban quản lý thủy nông xã thực hiện chưa phù hợp theo quy định của Luật Thủy lợi, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế về tổ chức quản lý và kỹ thuật, phần lớn chưa được đào tạo do thiếu kinh phí.

Tài chính của các tổ chức thủy lợi cơ sở (ban quản lý thủy nông) rất khó khăn, hầu như không thu được phí thủy lợi nội đồng, chỉ có duy nhất nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi nên thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa, nạo vét dẫn đến công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng thủy lợi, vấn đề quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, vì vậy việc củng cố, phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả bền vững là thực sự cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý xây dựng và ban hành Kế hoạch

- Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017.

- Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

- Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

- Chỉ thị 3837/CT-BNN-TCTL ngày 3/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Quyết định số 4600/QĐ-BNN-TCTL ngày 13/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, phục vụ nhu cầu sử dụng nước đa dạng trong nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Người dân đóng vai trò chủ đạo trong phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thủy lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình, bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi và tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

[...]