Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 602/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 602/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2017
Ngày có hiệu lực 14/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Bùi Quang Cẩm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 602/KH-UBND

Hà Nam, ngày 14 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Căn cứ Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/09/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. KHÁI QUÁT VỀ THỰC TRẠNG HỘ NGHÈO

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015 thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 15.571 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,81%, với 32.119 nhân khẩu; 12.852 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,8%, với 36.236 nhân khẩu.

Các nguyên nhân nghèo chủ yếu là do ốm đau bệnh nặng; không có sức lao động; thiếu vốn sản xuất; thiếu phương tiện sản xuất.

Thực trạng về mức độ thiếu hụt các nhu cầu xã hội cơ bản của hộ nghèo, toàn tỉnh có 1.937 hộ thiếu hụt về chiều tiếp cận các dịch vụ y tế; 5.409 hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế; 1.627 hộ thiếu hụt về trình độ giáo dục người lớn; 772 hộ thiếu hụt về tình trạng đi học trẻ em; 3.757 hộ có tình trạng nhà ở xuống cấp; 1.978 hộ có diện tích nhà ở dưới 8m2/người; 1.684 hộ sử dụng nguồn nước chưa hợp vệ sinh; 3.594 hộ sử dụng hố xí/nhà tiêu chưa hợp vệ sinh; 5.875 hộ không có thành viên sử dụng dịch vụ viễn thông; 2.878 hộ thiếu tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

II. MỤC TlÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,81% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.

- Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trước hết về giáo dục, y tế, nước sạch và tiếp cận thông tin (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020).

- Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

- 100% lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được tập huấn, nâng cao năng lực giảm nghèo.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành và địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

- Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo. Kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm minh tập thể, cá nhân có sai phạm.

- Đánh giá kết quả thực hiện giảm nghèo hàng năm; Rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, nhất là cấp xã, phường, thị trấn thôn xóm, tổ dân phố; lập số quản lý theo dõi hộ nghèo chính xác để làm cơ sở thực hiện chính sách với hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo, người cận nghèo.

2. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền

Tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng. Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; đưa công tác giảm nghèo gắn với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo và nhân rộng các mô hình hiệu quả về giảm nghèo bền vững; Phát động phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

3. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện chương trình

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo.

- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án hỗ trợ các mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:

+ Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và tiếp tục triển khai hàng năm, bao gồm: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm; Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; Chương trình nông thôn mới; Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình giáo dục và đào tạo; Các để án dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, thanh niên; Dự án đầu tư kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư bệnh viện huyện và trạm y tế xã; phát triển đường giao thông nông thôn;...

+ Vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình mục tiêu giảm nghèo.

[...]