Kế hoạch 60/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 về Phát triển giao thông vận tải thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại, hợp lý và giảm ùn tắc giao thông

Số hiệu 60/KH-UBND
Ngày ban hành 17/05/2016
Ngày có hiệu lực 17/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Đào Anh Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 17 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ CẦN THƠ LẦN THỨ XIII NHIỆM KỲ 2015-2020 VỀ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ CẦN THƠ THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI, HỢP LÝ VÀ GIẢM ÙN TẮC GIAO THÔNG

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ngày 30 tháng 9 năm 2015.

II. THỰC TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

1. Đánh giá tình hình phát triển kết cấu hạ tầng và tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ

a) Đánh giá tình hình phát triển kết cấu hạ tầng

- Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng

+ Đường bộ: Tổng chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 3.208,96 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 66,8%. Trong đó:

* Quốc lộ (QL): Trên địa bàn thành phố hiện có 06 tuyến Quốc lộ (QL.1, QL.80, QL.91, QL.91B, QL.61C, đường Nam Sông Hậu) đi qua với tổng chiều dài 125,7km. Tất cả các tuyến hiện đều có kết cấu mặt bê tông nhựa hoặc nhựa, chất lượng tốt.

* Đường tỉnh (ĐT): Hiện có 11 tuyến đường tỉnh đóng vai trò trục chính kết nối giữa các trung tâm hành chính quận huyện, các khu công nghiệp, với tổng chiều dài 161,4km, trong đó nhựa hóa đạt 100%, hầu hết đạt cấp V, một số tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng như ĐT.919. Một số tuyến hệ thống thoát nước kém, khi trời mưa gây tình trạng ứ đọng dẫn đến xuống cấp nhanh như: ĐT.917, ĐT.918, ĐT.932.

* Đường đô thị

. Tổng chiều dài các tuyến đường đô thị trên địa bàn các quận, thị trấn là 1027,9km. trong đó có 318,8km đường bê tông xi măng (BTXM) 214,2km, đường nhựa và đường cấp phối là 494,8km. Tỷ lệ cứng hóa mặt đường còn thấp (51,9%).

. Tuy nhiên, đường đô thị theo đúng tiêu chuẩn thiết kế chỉ thực sự có ở quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy và một số phường trung tâm các quận (là thị trấn, huyện trước đây). Nhiều tuyến đường ở các quận: Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

. Đường đô thị tập trung tại khu vực quận Ninh Kiều, Bình Thủy và bám theo các trục xương sống là các QL.1, QL.91, QL.91B và đầu tuyến đường Nam Sông Hậu.

* Đường xã (giao thông nông thôn): Với tổng chiều dài 1.686,5 km với 709 tuyến. Tỷ lệ cứng hóa được 76,6%. Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 709 tuyến đường xã, tổng chiều dài là 1.685,4 km, đường xã chủ yếu đạt loại B, C giao thông nông thôn. Chiều dài đường xã không đều giữa các huyện, cao nhất là huyện Cờ Đỏ (530,6 km), thấp nhất là huyện Phong Điền (304 km).

+ Đường thủy nội địa

. Thành phố Cần Thơ có một mạng lưới sông – kênh – rạch rất phong phú và đa dạng. Mạng lưới sông – kênh – rạch trải đều khắp trên địa bàn thành phố thuận lợi cho phát triển giao thông thủy, hình thành nhiều điểm du lịch sông nước đi miệt vườn, tạo điều kiện phát triển hoạt động du lịch. Có 150 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài là 762,79km.

. Mạng lưới đường thủy chính do thành phố quản lý gồm: 06 tuyến sông – kênh – rạch đạt cấp IV theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa. Trong đó chỉ có tuyến kênh Thốt Nốt đã được đầu tư nạo vét, các kênh còn lại hiện chưa được nạo vét; việc lấn chiếm hai bên bờ, lòng sông, kênh còn phổ biến đã làm hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện.

. Mạng lưới đường thủy nội địa do các quận, huyện quản lý: Tổng cộng khoảng 641,69km. Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn có hàng nghìn km sông – kênh – rạch nhỏ tự nhiên và kinh thủy lợi nối liền các thôn, ấp phục vụ tốt cho vận tải nội đồng.

+ Hàng không

. Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Cần Thơ có vị trí tại quận Bình Thủy, kết nối với trung tâm thành phố bằng đường Võ Văn Kiệt, đường Lê Hồng Phong (QL.91).

. Cảng HKQT Cần Thơ có thể tiếp nhận các loại máy bay B777, B747 và các loại máy bay tương đương, công suất nhà ga là 3 triệu lượt hành khách/năm, đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m.

+ Đường biển: Thành phố Cần Thơ có vị trí rất thuận lợi, nằm giáp dòng sông Hậu. Từ đây có thể đến các cảng Cần Thơ, Mỹ Thới và các cảng khác trên thượng lưu và là tuyến triển vọng nhất nối đến cảng Phnom Penh (Cam-pu-chia). Hiện tại, nhiều khu vực nước nông, các bãi cạn thường xuyên dịch chuyển theo động lực sông, làm thay đổi các luồng chạy tàu tại khu vực cửa sông (cửa Định An) là các trở ngại chính đối với giao thông thủy, gây cản trở đến việc ra vào cảng Cần Thơ và các cảng khác phía trên đối với các tàu tải trọng lớn hơn 10.000 tấn. Hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 03 cảng hàng hóa là các cảng: Hoàng Diệu, Trà Nóc và Cái Cui.

+ Giao thông tĩnh: Trên địa bàn thành phố có 05 bến xe khách (BXK). Trong đó, 01 BXK tại trung tâm thành phố, BXK 91B đạt loại 2; BXK Ô môn đạt loại 4; 01 bến tạm tại huyện Cờ Đỏ; 01 bến đang xây dựng tại quận Thốt Nốt (bến tạm tại ngã 3 Lộ Tẽ) và BXK Nam Cần Thơ tại quận Cái Răng đạt loại 1 (đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, đang thực hiện thủ tục đầu tư giai đoạn 2).

[...]