Kế hoạch 193/KH-UBND năm 2019 về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội

Số hiệu 193/KH-UBND
Ngày ban hành 30/08/2019
Ngày có hiệu lực 30/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 193/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI LĨNH VỰC CHẾ BIẾN NÔNG SẢN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 281/TTr-SNN ngày 30/7/2019, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản thành phố Hà Nội có đủ năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, với trình độ công nghệ từ trung bình, tiên tiến trở lên, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản Thủ đô Hà Nội.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Đến năm 2020:

- Tốc độ tăng giá trị lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản gắn với phát triển thị trường góp phần tạo tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 bình quân đạt 2,5 - 3,0% trở lên.

- Hình thành thêm từ 01 - 02 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với chế biến theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh; 01 - 03 cơ sở/khu chế biến nông sản, khu trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông lâm thủy sản (lúa gạo chất lượng cao, rau, quả, nông sản khô, lâm sản) tại các huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thường Tín; Sơn Tây, Đông Anh...

- Tăng từ 20% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo đúng quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO...

- 100% sản phẩm chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (hiện có địa chỉ: check.gov.vn) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội quản lý.

2.2. Định hướng đến năm 2030:

- Tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm.

- 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- 100% cơ sở sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm như: Rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP.

- Hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- 100% sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia.

- Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực chế biến, chế biến sâu nông lâm thủy sản có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Xây dựng trung tâm cung ứng, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, chợ đầu mối nông sản mang tầm quốc tế (xã hội hóa).

- Hỗ trợ kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương

II. NỘI DUNG

1. Định hướng chung

- Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu chủ lực của Thủ đô.

- Hỗ trợ đầu tư mới, đầu tư mở rộng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất đế đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu (theo cơ chế xã hội hóa).

[...]