Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2024 tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 07/05/2024
Ngày có hiệu lực 07/05/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 5 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động từ các cuộc xung đột vũ trang giữa các nước ngày càng leo thang khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ. Đồng thời, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và đời sống nhân dân; trong đó, doanh nghiệp sản xuất đối mặt với tình trạng giảm nhu cầu tiêu dùng nên sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, chi phí logistics ngày càng tăng, thủ tục hành chính chưa tinh gọn và việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn gặp khó khăn,....

Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 04/12/2023 của Thành ủy Cần Thơ, tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển doanh nghiệp, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững để góp phần đánh dấu chặng đường 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần của Đảng bộ và Nhân dân thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện những nội dung cụ thể như sau:

1. Sở Công Thương

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử xuyên biên giới để duy trì, củng cố các thị trường truyền thống, chú trọng các thị trường mà nước ta là thành viên trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); đồng thời, quan tâm mở rộng thị trường mới, thị trường tiềm năng để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

- Tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát tín hiệu thị trường; kịp thời có những thông tin, cảnh báo, hướng dẫn doanh nghiệp phản ứng phù hợp khi đối mặt với các rào cản kỹ thuật trong phòng vệ thương mại của các nước.

- Tăng cường phối hợp với các địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp linh hoạt tổ chức các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, bán hàng Việt tại các khu đô thị, khu công nghiệp, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các chương trình khuyến mại, chương trình giảm giá,...

- Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, chương trình kết nối doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ sản xuất, các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất gắn với việc thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thăm làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ thực chất khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền và phản ánh với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Tập trung triển khai Đề án “Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại”, Đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Chú trọng thực hiện việc đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

- Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo thực hiện tốt việc cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống; đảm bảo không để xảy ra đứt gãy nguồn cung.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và thu hút đầu tư vào thành phố.

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã nhằm tham mưu giải quyết các khó khăn, rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Triển khai thực hiện liên kết vùng, quy hoạch thành phố và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài; phối hợp Sở Công Thương hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; đề xuất nhu cầu sử dụng đất phải đảm bảo việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định; không gây lãng phí về nguồn lực đất đai.

- Hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, người dân phải nhanh, đúng quy định trên nguyên tắc đơn giản thủ tục, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

- Thường xuyên cập nhật các quy định sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

- Chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất thuộc thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến đất đai ở các địa phương.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Chú trọng triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong nền kinh tế; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

- Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

- Thực hiện liên kết, hợp tác với các Viện trường, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát huy tối đa các nguồn hỗ trợ về tài chính, tri thức tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

5. Cục Thuế thành phố

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

[...]