Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 60/KH-UBND thực hiện công tác Ngoại giao văn hóa tại thành phố Cần Thơ năm 2022

Số hiệu 60/KH-UBND
Ngày ban hành 16/03/2022
Ngày có hiệu lực 16/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 16 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN CÔNG TÁC NGOẠI GIAO VĂN HÓA TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2022

Thực hiện Quyết định 2013/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và Công văn số 404/BNG-NGVH-UNESCO ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Ngoại giao về việc xây dựng Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện công tác Ngoại giao văn hóa tại thành phố Cần Thơ năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

2. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp ngoại giao văn hóa nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh của thành phố đến bạn bè quốc tế, qua đó, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bền vững.

3. Huy động mọi chủ thể và nguồn lực triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả và thích ứng với bối cảnh, tình hình thực tế.

4. Ngoại giao văn hóa phải cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế tham gia, đóng góp vào cả 03 mục tiêu đối ngoại là “an ninh, phát triển và nâng cao vị thế”.

5. Chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung Chiến lược và công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa; kết hợp các biện pháp của ngoại giao văn hóa với thông tin đối ngoại.

6. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ “thúc đẩy - hội nhập - quảng bá - vận động - tiếp thu” nhằm góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và vị thế thành phố Cần Thơ với cộng đồng quốc tế, đi đối với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế

a) Đẩy mạnh công tác ngoại giao văn hóa các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và đối tác nước ngoài, trọng tâm là Hàn Quốc, Nhật Bản.

b) Lồng ghép giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người thành phố Cần Thơ nhân các buổi tiếp và làm việc với Đoàn khách quốc tế, các chuyến công tác tại nước ngoài; đồng thời tăng cường sử dụng quà tặng đối ngoại thể hiện được hình ảnh, nét đặc trưng của thành phố, vùng đồng bằng sông nước.

c) Tổ chức các sự kiện văn hóa nhân kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày Quốc khánh các nước: Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Ấn Độ tạo điểm nhấn trong hoạt động ngoại giao văn hóa năm 2022 để từ đó mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.

d) Duy trì và tăng cường lan tỏa các giá trị văn hóa từ các công trình, biểu tượng hữu nghị của Cần Thơ và địa phương, đối tác nước ngoài, cụ thể: “Góc Thông tin Jeollanamdo - Hàn Quốc” đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trung tâm Hàn Quốc học và Viện vua Sejong Cần Thơ đặt tại Trường Đại học Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc, Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản...

đ) Mời đối tác nước ngoài tham dự các sự kiện văn hóa, ẩm thực do thành phố tổ chức như Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, Đờn ca tài tử, các ngày hội du lịch, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn như Đền thờ Vua Hùng, Khu di tích chiến thắng Ông Hào, Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa...

2. Hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa và các lĩnh vực khác tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế

a) Chủ động tham gia có trách nhiệm tại các hoạt động, sự kiện do các tổ chức quốc tế mà thành phố Cần Thơ là thành viên như: Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng Pháp ngữ (AIMF), Mạng lưới toàn cầu các thành phố có khả năng chống chịu (The Resilient Cities Network)... và các tổ chức văn hóa chuyên biệt khác.

b) Tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên, thanh niên thành phố Cần Thơ với các địa phương nước ngoài có ký kết hợp tác, các tổ chức nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt là thông qua các chuỗi hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Ấn Độ.

3. Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh vùng đất và con người thành phố Cần Thơ

a) Tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa với các đối tác quốc tế như: Ngày Yoga Quốc tế, Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế, Liên hoan Đờn ca Tài tử Quốc gia, Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Bangkok, Thái Lan... qua đó góp phần truyền tải thông điệp thành phố Cần Thơ là đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại, con người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch, là điểm đến đáng tin cậy để sinh sống, học tập, du lịch, đầu tư.

b) Xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức cơ bản về văn hóa, ngoại giao văn hóa cho những người dân Cần Thơ đi lao động, học tập, công tác trung và dài hạn ở nước ngoài... góp phần xây dựng hình ảnh người Cần Thơ tôn trọng pháp luật và có hiểu biết về văn hóa bản địa.

4. Vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc gia/quốc tế của thành phố Cần Thơ

a) Tiếp tục lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận (cụ thể Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5 và Chứng nhận thành phố ASEAN bền vững môi trường lần 4 do Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN vinh danh vào tháng 10/2021) vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư... của các địa phương qua đó thúc đẩy việc giới thiệu và quảng bá các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa của đất nước; biến các danh hiệu này trở thành nguồn lực phát triển dựa trên việc bảo vệ các giá trị truyền thống và thiên nhiên tại địa phương.

b) Tiếp tục xây dựng, vận động công nhận mới các loại hình danh hiệu như: di tích cấp quốc gia, cấp thành phố; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, tiếp tục giữ gìn và phát triển các danh hiệu mà thành phố Cần Thơ đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Đồng thời chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật mới, đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.

5. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

a) Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa nhằm đưa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, góp phần bổ sung tinh hoa văn hóa nhân loại; đồng thời tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo tinh hoa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến thế giới vào thành phố Cần Thơ làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của Việt Nam.

[...]