Kế hoạch 5719/KH-UBND năm 2017 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 5719/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2017
Ngày có hiệu lực 28/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5719/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 28 tháng 07 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng;

Căn cứ Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNNPTNT-BCT- BTTTT ngày 12/12/2012 của Liên Bộ Lao động-TB&XH, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg; Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc: số 1315/QĐ-UBND ngày 4 tháng 5 năm 2017 về Phê duyệt mức hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động Vĩnh Phúc theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; số 1316/QĐ-UBND ngày 4 tháng 5 năm 2017 phê duyệt Danh mục 29 nghề, chương trình đào tạo và mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Yêu cầu

Gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các Chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các chương trình kinh tế - xã hội khác.

Không tổ chức dạy nghề cho lao động khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề.

II. MỤC TIÊU

1. Giai đoạn 2017 - 2020 đào tạo và hỗ trợ học nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 19.435 lao động, trong đó chia ra:

- Theo nhóm nghề: Nghề nông nghiệp: 12.629 lao động; nghề phi nông nghiệp: 6.806 lao động

- Theo trình độ: Trình độ sơ cấp: 11.838 lao động; dưới 3 tháng: 7.597 lao động.

Chi tiết phân bổ chỉ tiêu đào tạo của từng huyện thị, theo từng nghề tại Biểu số 1, 2 ban hành kèm theo Kế hoạch.

2. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

III. NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn

Tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề, tạo việc làm; các mô hình, cá nhân điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm truyền thông.

Thực hiện tốt công tác định hướng, tư vấn nghề để người lao động lựa chọn nghề học phù hợp.

2. Thực hiện khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề

Hằng năm, khảo sát, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo, định hướng, tư vấn học nghề cho người lao động phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

3. Tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả về giải quyết việc làm và chất lượng đào tạo

Đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng các nghề trong danh mục quy định của tỉnh phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững.

Rà soát, lựa chọn các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh đủ điều kiện dạy nghề đưa vào danh sách các đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động của tỉnh theo kế hoạch hàng năm.

Thực hiện các mô hình có sự phối hợp 3 bên: cơ sở đào tạo, người học và doanh nghiệp; gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; vừa đảm bảo chất lượng đào tạo vừa đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo.

[...]