Kế hoạch 264/KH-UBND năm 2017 về đào tạo nghề cho lao động tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 264/KH-UBND
Ngày ban hành 23/01/2017
Ngày có hiệu lực 23/01/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Mai Thức
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 23 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2017-2020

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 01 tháng 7 năm 2015;

- Quyết định số: 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số: 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

- Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

- Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI.

2. Thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011-2015:

a) Về thực trạng mạng lưới các cơ sở đào tạo:

Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở đào tạo nghề, bao gồm: 03 trường Trung cấp nghề, 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề, 13 Trung tâm dạy nghề; 10 đơn vị, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trung tâm khuyến công, khuyến nông và một số đơn vị khác hàng năm có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; một số cơ sở sản xuất, hộ cá thể có tổ chức đào tạo nghề theo hình thức kèm nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.

b) Tình hình đội ngũ tham gia đào tạo nghề:

Năm 2015, đội ngũ giáo viên của tất cả các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh là 189 người (giáo viên biên chế 99 người; giáo viên hợp đồng 90 người). Trong đó số giáo viên có trình độ sau đại học là 34 người (chiếm 17,99%); trình độ đại học, cao đẳng 117 người (chiếm 61,9%); trình độ khác 38 người (chiếm 20,11%).

Ngoài ra, còn có một lực lượng lớn là cán bộ kỹ thuật, công nhân, nông dân sản xuất giỏi, người có tay nghề cao cũng tham gia ĐTN cho lao động nông thôn.

c) Quy mô đào tạo (Chi tiết Phụ lục số 1):

Giai đoạn 2011-2015, đã tổ chức đào tạo nghề cho 36.932 người. Trong đó: Trung cấp 908 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 36.024 người.

Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43,55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 32,85%.

d) Kết quả thực hiện các nguồn kinh phí (Chi tiết Phụ lục số 1)

Tổng nguồn kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo nghề giai đoạn 2011-2015 là 149.765 triệu đồng. Đầu tư xây dựng cơ bản 22.105 triệu đồng; mua sắm thiết bị dạy nghề 22.213 triệu đồng; chi cho hoạt động đào tạo 103.296 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người lao động về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng cao; đã thu hút được nhiều cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có sự gắn kết giữa địa phương với cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh đào tạo, tạo việc làm cho lao động sau học nghề.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu của thị trường lao động; số lượng người tham gia học nghề chưa nhiều, đặc biệt là lao động nông thôn thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Việc xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình điểm còn chậm. Một bộ phận lao động nông thôn chưa quan tâm đến học nghề, chưa xác định được học nghề để tìm kiếm việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Đa số các địa phương chưa bố trí ngân sách để thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn.

II. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế - xã hội khác góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu:

[...]