Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo quy định của Chính phủ do thành phố Hải Phòng ban hành

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2022
Ngày có hiệu lực 11/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN SẮP XẾP, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY CÁC SỞ, NGÀNH; CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH TRỰC THUỘC SỞ, NGÀNH; PHÒNG CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN; CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC THÀNH PHỐ THEO QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP[1], Nghị định số 108/2020/NĐ-CP[2] và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP[3]; ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 640-TB/TU ngày 27/12/2021 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo Nghị định mới của Chính phủ;

UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố theo quy định của Chính phủ, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC SẮP XẾP

1. Mục đích

- Tiến hành triển khai việc sắp xếp, kiện toàn lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện; tổ chức thuộc, trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố, sở, ngành và UBND quận, huyện (gọi chung là các cơ quan, đơn vị), đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và theo Phương án sắp xếp đã được Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

- Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, đơn vị.

2. Yêu cầu

- Triển khai theo chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy các sở, ngành; các cơ quan hành chính trực thuộc sở, ngành; phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 640-TB/TU ngày 27/12/2021.

- Triển khai thực hiện đúng quy định, thẩm quyền, tuân thủ theo các Nghị định mới của Chính phủ; đảm bảo nguyên tắc, có lộ trình thực hiện để ảnh hưởng ít nhất đến quá trình hoạt động của đơn vị.

- Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, đơn vị phải gắn với phương án xử lý cụ thể về công tác nhân sự, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị sau khi tiến hành sắp xếp và đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Kết quả sắp xếp, tổ chức các cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch này là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và khen thưởng đối với Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong năm 2022.

- Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh văn bản sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ hoặc quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương về lĩnh vực chuyên ngành liên quan thì thực hiện theo quy định, hướng dẫn tại văn bản đó; giao Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố hướng dẫn thực hiện cụ thể.

3. Nguyên tắc sắp xếp

3.1. Cơ quan hành chính

a) Đối với các phòng chuyên môn và tương đương thuộc sở, ngành:

- Về tiêu chí thành lập phòng chuyên môn: (1) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở; (2) Khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu 06 biên chế (trừ biên chế thanh tra sở); cụ thể:

Tổng số phòng

=

Tổng số biên chế được giao - Biên chế lãnh đạo - Biên chế Thanh tra

6 biên chế

* Riêng đối với Thanh tra sở không quy định phải bố trí tối thiểu 06 biên chế.

- Về tiêu chí bố trí số lượng Phó trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng có dưới 09 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; Phòng có từ 09 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó trưởng phòng; Phòng có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó trưởng phòng.

- Về số lượng Phó Chánh Thanh tra sở: Thanh tra sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Thanh tra; Thanh tra sở có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.

- Ngoài các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, việc sắp xếp số lượng phòng chuyên môn, số lượng cấp phó phòng chuyên môn được thực hiện theo nguyên tắc sau:

+ Tổng số phòng, ban, chi cục thuộc sở, ngành và tổng số phòng thuộc ban, chi cục và tương đương sau sắp xếp đảm bảo thấp hơn hoặc bằng số lượng hiện có (trừ các sở sắp xếp các chi cục thành phòng chuyên môn thuộc sở).

+ Cơ cấu tổ chức Thanh tra tại các sở có tổ chức Thanh tra, gồm: Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra (nếu có) và Thanh tra viên.

+ Việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên cơ sở số biên chế được giao năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị (trong quá trình thực hiện có thể xem xét điều chỉnh biên chế trong nội bộ của từng sở, ngành). Khi thực hiện điều chỉnh, chức năng nhiệm vụ theo quy định mới giữa các cơ quan, sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung biên chế cho cơ quan, đơn vị được điều chỉnh cho phù hợp.

b) Đối với các ban, chi cục và tương đương

- Tiêu chí giữ nguyên, thành lập ban, chi cục và tương đương: Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

[...]