Kế hoạch 5659/KH-BTP tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026) do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 5659/KH-BTP
Ngày ban hành 20/11/2023
Ngày có hiệu lực 20/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5659/KH-BTP

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIỮA NHIỆM KỲ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2024, ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ (2021-2026)

Để đánh giá kết quả thực hiện công tác tư pháp năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay; triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức tổng kết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả, các khó khăn, vướng mắc trong các mặt công tác, địa bàn về thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác tư pháp năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

1.2. Xác định đúng, đầy đủ, khả thi phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026).

2. Yêu cầu

2.1. Nội dung tổng kết bám sát các yêu cầu, chỉ đạo, nhiệm vụ liên quan đến công tác tư pháp, pháp chế trong các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương; gắn kết chặt chẽ với việc tổng kết công tác của các Bộ, ngành, địa phương để tham mưu toàn diện cho Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo về công tác tư pháp, pháp chế.

2.2. Việc tổ chức tổng kết đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC GIỮA NHIỆM KỲ VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2024, ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ 2021-2026

1. Đánh giá kết quả thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 14 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác thường xuyên năm 2023, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2023 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2023; Báo cáo số 236/BC-BTP ngày 31/7/2023 của Bộ Tư pháp về công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác 06 tháng cuối năm 2023); kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó trọng tâm là việc thực hiện Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (ban hành kèm theo Quyết định số 48/QĐ-BTP ngày 17/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

2. Xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác tư pháp trong năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ đảm bảo bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

III. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2024, ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ 2021-2026

1. Hình thức, địa điểm, thời gian tổ chức

1.1. Về hình thức và địa điểm: Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Điểm cầu Trung ương tổ chức tại Hà Nội (dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội).

- Điểm cầu của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tại Văn phòng Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.2. Về thời gian: Dự kiến Hội nghị được tổ chức trong 1/2 ngày, dự kiến từ ngày 15-25/12/2023.

2. Thành phần tham dự Hội nghị

2.1. Đối với điểm cầu Trung ương

- Mời đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và chỉ đạo Hội nghị.

- Mời đại diện Lãnh đạo một số Ban của Đảng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng); đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành; đại diện Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hiệp hội Công chứng Việt Nam.

- Thành phần triệu tập: Lãnh đạo Bộ Tư pháp; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; Thủ trưởng Tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành; Lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc Sở và Chánh Văn phòng Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; Công chức, viên chức là chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, Lãnh đạo cấp Phòng của các đơn vị thuộc Bộ.

2.2. Đối với điểm cầu tại địa phương

- Mời Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại các điểm cầu.

- Mời đại diện Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Nội chính, Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND; đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành tại địa phương; Chủ nhiệm Đoàn luật sư; Chủ tịch Hội luật gia; Chủ tịch Hội Công chứng (nếu có).

- Thành phần triệu tập: Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự; một số trưởng phòng Tư pháp trên địa bàn (do địa phương quyết định).

[...]