Kế hoạch 5641/KH-UBND năm 2018 về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019

Số hiệu 5641/KH-UBND
Ngày ban hành 22/11/2018
Ngày có hiệu lực 22/11/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5641/KH-UBND

Bình Dương, ngày 22 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2019

Căn cứ Công văn số 8442/BNN-TY ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhằm chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (bao gồm bệnh Lở mồm long móng trên gia súc;bệnh Tai xanh, Dịch tả trên heo; bệnh Dịch tả heo Châu Phi và bệnh Cúm gia cầm) trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019 như sau:

A. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2018

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

Trong 10 tháng đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Dương như sau:

1. Dịch bệnh Lở mồm long móng trên gia súc

Phát hiện 01 trường hợp bệnh Lở mồm long móng trên heo tại 01 trại chăn nuôi trên địa bàn xã An Điền, thị xã Bến Cát (tháng 4/2018); tổng số heo mắc bệnh đã tiêu hủy là 248 con heo thịt.

2. Dịch bệnh Tai xanh và Dịch tả trên heo

Không xảy ra.

3. Dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi

Không xảy ra.

4. Dịch bệnh Cúm gia cầm

Không xảy ra.

II. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH

Bệnh Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên địa bàn thị xã Bến Cátđã được khống chế kịp thời và không phát sinh, không lây lan thành dịch;nguyên nhân xảy ra bệnh là do trại chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Bệnh LMLM trên gia súc vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ở các khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, nơi có đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh triệt để.

Bệnh Tai xanh, Dịch tả trên heo vẫn có thể xảy ra trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

Nguy cơ bệnh Dịch tả heo Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao.

Bệnh cúm gia cầm vẫn còn nguy cơ phát sinh do diễn biến thời tiết bất thường, mưa nhiều làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm; vi rút cúm gia cầm lưu hành ở các địa phương khác lây lan vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM NĂM 2019

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chủ động phát hiện sớm và không để lây lan dịch bệnh, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người.

Đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Khống chế dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và xây dựng các vùng an toàn dịch đối với các bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả trên heo; Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên để tạo ra sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao,hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu.

2. Yêu cầu

Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.

[...]