Kế hoạch 562/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 562/KH-UBND
Ngày ban hành 06/10/2021
Ngày có hiệu lực 06/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 562/KH-UBND

Nghệ An, ngày 06 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ 07-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TIẾN TỚI CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS TẠI VIỆT NAM TRƯỚC NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt AIDS tại Việt Nam trước năm 2030", UBND tỉnh Nghệ An xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An với những nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH

Quán triệt sâu sắc các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra trong Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

- HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp liên ngành của các cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cộng đồng.

- Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị toàn diện HIV/AIDS.

- Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tăng cường trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.

- Đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS là góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của tỉnh, mang lại hiệu quả xã hội trực tiếp và gián tiếp.

- Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực) sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ và lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng, chi phí thấp - hiệu quả cao.

III. MỤC TIÊU

- Tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chương trình, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS trên địa bàn tỉnh trước năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

1. Mục tiêu cụ thể

- Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

- Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

- Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

2. Các chỉ tiêu

a) Nhóm chỉ tiêu tác động

- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030;

- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030.

b) Nhóm chỉ tiêu dự phòng

- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030;

- Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế và các loại thuốc, bài thuốc đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030;

- Tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030;

- Tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030;

- Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

[...]