Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2985/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu 2985/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2022
Ngày có hiệu lực 16/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2985/KH-UBND

Lai Châu, ngày 16 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 809/QĐ-TTG NGÀY 12/7/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng và giải pháp trong Chương trình; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần ưu tiên thực hiện Chương trình; xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của tỉnh, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất.

b) Triển khai thực hiện hiệu quả, có chất lượng các nhiệm vụ của địa phương được giao trong Chương trình nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành; gắn kết giữa các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

2. Yêu cầu

a) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các định hướng và giải pháp của Chương trình đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tạo đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai, thực hiện Chương trình.

b) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lâm sản; nâng cao năng suất chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng.

c) Phát triển kinh tế lâm nghiệp trong đó phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; xã hội hóa nghề rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu trong đó chú trọng tới nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng; nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng.

d) Tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, dự án, đề án thực hiện Chương trình đảm bảo hiệu quả; đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Bảo vệ rừng gắn với cung ứng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ người dân và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng gắn với chế biến và thương mại lâm sản, du lịch sinh thái, từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp; tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm gắn với cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên 35.300 ha; trồng mới 15.000 ha rừng, trong đó: Rừng phòng hộ 1.000 ha, rừng sản xuất và cây phân tán 14.000 ha (cây Quế 5.000 ha; cây gỗ lớn 8.500 ha; cây phân tán khoảng 500.000 cây tương đương với 500 ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 54% vào năm 2025.

- Tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Thành lập mới 01 khu rừng đặc dụng tại huyện Mường Tè; 100% các Ban Quản lý rừng phòng hộ được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững; có từ 02 đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng trở lên được phê duyệt.

- Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ 1 đến 2 nhà máy chế biến lâm sản. Hỗ trợ, đầu tư mở mới trên 150 km đường lâm nghiệp.

III. NHIỆM VỤ

1. Quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

- Tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên gắn với cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng, gắn trách nhiệm của các chủ rừng, các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ rừng với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với quan điểm phòng là chính; giảm tối thiểu trên 30% số vụ cháy rừng so với giai đoạn 2015-2020; tăng cường công tác tuyên truyền, đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, xây dựng công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng, theo dõi, giám sát tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

- Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; giảm trên 30% số vụ vi phạm so với giai đoạn 2015 - 2020.

- Kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt là các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

- Tổ chức điều tra, đánh giá và hoàn thiện các thủ tục thành lập khu rừng đặc dụng tại huyện Mường Tè để quản lý, bảo tồn các loài động vật, thực vật quý, hiếm, rừng biên giới. Thực hiện giao rừng cho 07 Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện có. Tổ chức đánh giá và xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại 07 Ban quản lý rừng phòng hộ.

[...]