Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 5518/KH-UBND năm 2021 về hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre sau dịch Covid-19

Số hiệu 5518/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2021
Ngày có hiệu lực 13/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5518/KH-UBND

Bến Tre, ngày 13 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE SAU DỊCH COVID-19

Nhằm tiếp tục chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, ổn định thị trường đầu ra, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh sau dịch Covid-19, với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HỖ TRỢ TIÊU THỤ NÔNG SẢN TỈNH TRONG THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỈ THỊ 16/CT-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhìn chung, việc triển khai thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ đạt kết quả khá tốt, có sự kết nối đồng bộ các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản kịp thời, có hiệu quả, góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nông sản ít bị thương lái ép giá trong mùa dịch. Công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản bằng nhiều phương thức đa dạng.

Từ ngày 20/7 đến ngày 06/9/2021, tiêu thụ trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) khoảng 4.433 tấn, Dừa uống nước (5.618.000 trái) và dừa công nghiệp (14.333.000 trái), rau ăn lá các loại 262 tấn; rau lấy quả các loại 218 tấn; rau lấy củ các loại khoảng 425 tấn (tăng mạnh nhất là sản phẩm củ sắn); dưa hấu tiêu thụ 1.570 tấn. Tiêu thụ các sản phẩm thịt, trứng thông qua các thương lái phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị khá ổn định: thịt heo 3.133,76 tấn, thịt bò 3.360,51 tấn, thịt gia cầm các loại 2.246,09 tấn, trứng gia cầm 7,54 triệu trứng. Đối với cá tra: hầu hết là của DN nên đến cở thì thu về công ty chế biến. Hiện nay, Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch bệnh Covid 19, trong thời gian thực hiện giãn cách lượng cá nguyên liệu các doanh nghiệp thu chưa nhiều để chế biến.Tổng sản lượng tôm nước lợ đạt kích cở thương phẩm đã thu hoạch và tiêu thụ là 8.932 tấn; Riêng sò huyết sản lượng đến thời điểm thu hoạch trong tháng 9/2021 là 310,2 tấn tiêu thụ chậm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ lúc đầu cũng gặp một số khó khăn trong việc phối hợp thực hiện; còn lúng túng trong khâu rà soát, thống kê diện tích và sản lượng thu hoạch đối với từng sản phẩm nông sản tại địa phương; việc tiêu thụ một số sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh còn chậm do thiếu nhân lực thu hoạch. Tuy dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh cơ bản đã được kiểm soát khá tốt nhưng diễn biến vẫn còn hết sức phức tạp, khó lường nhất là các tỉnh thành phố như: Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai,...dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bến Tre tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dự báo sản lượng nông sản trong 03 tháng cuối năm 2021 ước đạt như sau: trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) trên 35.000 tấn; Dừa uống nước trên 30 triệu trái và dừa công nghiệp khoảng 140 triệu trái; rau các loại (ăn lá, lấy củ,  ăn quả) trên 10.000 tấn; dưa hấu khoảng 9.000 tấn;  thịt heo  khoảng 30.000 tấn; thịt bò khoảng 15.000 tấn; thịt gia cầm các loại trên 200.000 tấn; trứng gia cầm khoảng 1,3 triệu trứng. Cá các loại khoảng 67.000 tấn (riêng cá da trơn khoảng 65.000 tấn: hầu hết là của DN nên đến cở thì thu về công ty chế biến); tôm nước lợ khoảng 36.000 tấn; tôm càng xanh khoảng: 300 tấn; sò huyết: 390 tấn; nghêu khoảng 750 tấn và cua khoảng 1.000 tấn.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố trong việc tuyên truyền, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy hỗ trợ nông dân tỉnh nhà tiêu thụ sản phẩm nông sản, giữ vững thị trường đầu ra hiện tại, mở rộng thị trường mới tiềm năng, ổn định chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19.

2. Yêu cầu

- Nông sản của tỉnh phải được tiêu thụ kịp thời, đúng tiến độ thu hoạch và ổn định đầu ra sau dịch Covid-19.

- Tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ tốt sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ tốt với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối tượng và sản phẩm hỗ trợ

- Đối tượng hỗ trợ: các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác , hộ cá thể và nông dân trong tỉnh.

- Sản phẩm hỗ trợ: cần tập trung hỗ trợ chủ yếu vào một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 08/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (dừa, quả, rau, heo, bò, gia cầm, tôm, cây giống,..).

2. Nội dung chính

- Đánh giá tình hình tiêu thụ một số nông sản chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 08/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (dừa, quả, heo, bò, gia cầm, tôm,..) khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 và đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

- Theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

- Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các địa phương trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại địa phương, phải có sự phối hợp chặt chẽ từ huyện đến xã, linh hoạt, chủ động rà soát lại diện tích sản xuất, sản phẩm nông sản, vụ mùa thu hoạch, sản lượng thu hoạch, giá (giá thu mua và phí vận chuyển) để từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ đúng mục tiêu, đạt hiệu quả, bảo đảm nguồn cung ứng nông sản đủ cho thị trường tiêu dùng, ổn định cuộc sống của nông dân.

- Hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua nông sản, các chợ đầu mối toàn quốc, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến và cung ứng nông sản thực phẩm,.. đến tỉnh khảo sát, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

- Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị trường đối với từng nhóm sản phẩm nông sản để trao đổi với các tỉnh, thành phố hỗ trợ kết nối tiêu thụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh sau dịch Covid - 19 trên toàn quốc.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba,…

[...]