Kế hoạch 5508/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 5508/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2021
Ngày có hiệu lực 13/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5508/KH-UBND

Bến Tre, ngày 13 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. SỰ CẦN THIẾT

Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên nằm trong khoảng từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái. Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh của cả nước là 112,1 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn, từ đó làm phá vỡ cấu trúc hôn nhân gia đình; làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới khi nhiều phụ nữ buộc phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ có nguy cơ gia tăng... ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Đối với tỉnh Bến Tre, năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh là 110,4 bé trai/100 bé gái được xếp vào nhóm tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao (từ 109-112 bé trai/100 bé gái theo phân nhóm của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình). Tổng tỷ suất sinh của tỉnh là 1,83 con/phụ nữ thuộc nhóm các tỉnh có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế; nhiều cặp vợ chồng hiện nay chưa chủ động trong việc thực hiện sinh đủ 2 con dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;

Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;

Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Công văn số 4275/BYT-TCDS ngày 26/5/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ kết quả thực hiện Kế hoạch Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

III. THỰC TRẠNG TỶ SỐ GIỚI TÍNH KHI SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

1. Những kết quả đạt được

Thực hiện Kế hoạch Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, ngành dân số đã chủ động lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào kế hoạch thực hiện chương trình công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hàng năm, tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện kế hoạch của các cấp, các ngành có liên quan đảm bảo các hoạt động được thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ kế hoạch.

Ngành dân số đã chủ động phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trường Cao đẳng Bến Tre tổ chức nhiều hoạt động như hội thảo , hội thi, nói chuyện chuyên đề, tập huấn chuyên đề nhằm tuyên truyền, phổ biến về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong việc thực hiện kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Việc thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng được chú trọng thông qua việc tổ chức tuyên dương 955 trẻ em gái là con của các gia đình có con một bề là gái đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Đồng thời tổ chức biểu dương 100 hộ gia đình tiêu biểu có 2 con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số. Hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời khuyến khích những gia đình có con một bề là gái thực hiện đúng chính sách dân số.

Công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cũng được thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn 2016-2020, đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 03 cuộc thanh tra, kiểm tra các nội dung về tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực dân số, trong đó có quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ c ho đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp được thực hiện hàng năm. Đã tổ chức 14 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về dân số, trong đó có lồng ghép đưa nội dung về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình tập huấn cho viên chức dân số, cộng tác viên dân số, góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ truyền thông cơ sở.

Chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 là đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt dưới 108 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Tuy nhiên, kết quả tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 toàn tỉnh là 110,4 bé trai/100 bé gái, không đạt theo chỉ tiêu kế hoạch.

2. Tồn tại, hạn chế

Một số huyện có sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh nhưng chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tìm nguyên nhân và chưa có biện pháp truyền thông về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tỷ lệ cặp vợ chồng sinh đủ 2 con tại các địa phương có được nâng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp tạo sự chênh lệch về con trai nhiều hơn ở lần sinh đầu tiên. Đây cũng là nhân tố ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh.

Nguồn kinh phí Trung ương không có, kinh phí địa phương rất hạn chế nên việc tổ chức truyền thông về nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh ở các nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả cao.

3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế

Một số lãnh đạo địa phương chỉ quan tâm chỉ đạo chung về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng chỉ đạo về quản lý và tập trung truyền thông khi số bé trai sinh ra hàng năm cao hơn số bé gái.

Kinh phí không được đáp ứng đầy đủ cho công tác truyền thông tại địa bàn.

Tổ chức bộ máy dân số có sự biến động, cộng tác viên dân số thay đổi hàng năm do chưa có chính sách ưu đãi cho đội ngũ này.

[...]