Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và Quyết định 1555/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 55/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2013
Ngày có hiệu lực 30/07/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Vũ Thị Bích Việt
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 7 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20-CT/TW NGÀY 05/11/2012 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG TÌNH HÌNH MỚI VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 1555/QĐ-TTG NGÀY 17/10/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VÌ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2012-2020

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch số 54-KH/TU ngày 05/02/2013 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em; trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển; quan tâm thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện sống, học tập, vui chơi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền.

2. Các mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn dưới 18% vào năm 2015 và xuống còn dưới 15% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2015 và xuống dưới 10% vào năm 2020. Duy trì trên 95% Trạm Y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đến năm 2020.

- Hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2013 và duy trì vào các năm tiếp theo; đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 99% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là trên 99% và ở bậc trung học cơ sở là trên 95%.

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em vào năm 2015 và xuống 5% vào năm 2020; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển lên 80% vào năm 2015 và lên 85% vào năm 2020; số trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015 và giảm 40% vào năm 2020; giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2015 và xuống 450/100.000 trẻ em vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em lên 70% vào năm 2015 và lên 80% vào năm 2020; số xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt tiêu chuẩn lên 50% vào năm 2015 và lên 55% vào năm 2020.

II. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Chỉ đạo việc lồng ghép, ưu tiên giải quyết các mục tiêu vì trẻ em và thực hiện các quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tạo môi trường sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em; thực hiện tốt các quyền trẻ em.

Tăng cường sự phối hợp của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp; thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã và cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở, đặc biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp thôn bản, tổ nhân dân.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổ chức sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các mô hình về hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để nhân rộng.

2. Các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chú trọng việc tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, giúp cho các gia đình, các cụm dân cư chủ động ngăn ngừa và kịp thời can thiệp khi xảy ra các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm hại, bạo lực, ngược đãi, bỏ rơi trẻ em; tuyên dương các gương điển hình tiên tiến trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, ngược đãi, bạo lực, xao nhãng, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, đặc biệt là giáo viên, cán bộ cấp xã và cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trẻ em tại thôn bản về nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, kỹ năng tiếp cận và can thiệp, giúp đỡ, chăm sóc đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp trong tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, gắn với xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tạo môi trường bền vững cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Duy trì chuyên mục tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang; biên soạn, phát hành, nhân bản các tài liệu, ấn phẩm, xây dựng các cụm pano tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chính sách về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tổ chức các hoạt động tham vấn, tư vấn tại các trường học, cộng đồng; nghiên cứu tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp.

3. Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em

Triển khai rà soát, nắm chắc thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh; phát hiện, can thiệp và trợ giúp kịp thời đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em bị khuyết tật, bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Đẩy mạnh việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em từng giai đoạn; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa để tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển, giảm thiểu các nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đối với trẻ xuất phát chính từ gia đình, khu dân cư, trường học nơi trẻ em sinh sống, vui chơi và học tập.

Tiếp tục duy trì xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; nghiên cứu thực hiện việc thành lập và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp, để tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, tư vấn cho gia đình và cộng đồng các thông tin, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và các vấn đề liên quan. Quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của nhà nước hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội nhằm ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại, có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực, không phù hợp với trẻ em, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; khuyến khích nạn nhân và gia đình tố giác tội phạm, hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý tội phạm xâm hại, bạo lực, ngược đãi, buôn bán trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Kiểm tra, phát hiện, tìm hiểu nguyên nhân các trường hợp bỏ rơi trẻ em, đặc biệt là tại các cơ sở chăm sóc trẻ em (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các cơ sở y tế…), ngăn chặn, hạn chế tình trạng bỏ rơi trẻ em. Xử lý nghiêm, đúng theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc, các trường hợp xâm hại, ngược đãi, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em, vi phạm các quyền của trẻ em. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật.

Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác con nuôi nhằm bảo đảm tính nhân đạo thiết thực, tránh lợi dụng để mua bán trẻ em; ưu tiên tìm gia đình thay thế trong nước, nhằm đảm bảo cho trẻ em có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của người xin nhận con nuôi và hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài, bảo đảm việc giới thiệu, giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài trên địa bàn tỉnh đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ