Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 5926/KH-UBND năm 2013 hành động vì trẻ em tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020

Số hiệu 5926/KH-UBND
Ngày ban hành 24/07/2013
Ngày có hiệu lực 24/07/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5926/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 và Công văn số 4178/LĐTBXH-BVCSTE ngày 12/11/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch hành động vì trẻ em tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020 như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, diện tích tự nhiên 5.903,94 km², có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, 01 thị xã và 01 thành phố; 171 xã, phường, thị trấn. Dân số gần 03 triệu người, trong đó khu vực nông thôn chiếm 66,8%, khu vực thành thị chiếm 33,24%; có trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, hộ nghèo chiếm tỷ lệ khoảng 3,5%. Tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, với 31 khu công nghiệp tập trung, 39 cụm công nghiệp, hơn 900 nhà máy, xí nghiệp, thu hút khoảng 700.000 lao động.

Trẻ em từ 0 đến 16 tuổi trên toàn tỉnh là 558.694 em, số trẻ em nam là 294.238 em chiếm tỷ lệ 53%, trẻ em nữ là 264.456 em chiếm tỷ lệ 47%; trẻ em trong các gia đình nghèo 31.281 em; trên 10.555 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong đó có trên 3.221 trẻ em khuyết tật và 6.437 trẻ em mồ côi.

Trong những năm qua, Đồng Nai phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, đời sống người dân được cải thiện. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đặc biệt quan tâm, đa số các chỉ tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể: 100% số trẻ em bị tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp thường xuyên; tỷ lệ trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng vượt kế hoạch trên 20%; 99,9% trẻ em được đăng ký khai sinh; 99,8% trẻ em được tiêm 06 loại vacxin....

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, ngược đãi, vi phạm pháp luật. Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế và cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và thường xuyên biến động dẫn đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở, cộng đồng khó triển khai, thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Bảo đảm cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách bình đẳng, thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tạo sự chuyển biến tích cực về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đồng thời mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em, từng bước giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (CN/T) xuống còn 10% vào năm 2015 và dưới 10% vào năm 2020; suy dinh dưỡng thể thấp còi (CC/T) xuống 26% vào năm 2015 và dưới 26% vào năm 2020.

- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 05 tuổi vào năm 2015.

- Nâng tỷ lệ huy động trẻ dưới 03 tuổi đến nhà trẻ đạt 25% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

- Tỷ lệ huy động trẻ từ 03 - 05 tuổi đến trường mầm non đạt 85% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.

- Duy trì tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 99,9% và trung học cơ sở là 95%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật.

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em vào năm 2015 và xuống 5% vào năm 2020. Đảm bảo 100% trẻ em mồ côi, khuyết tật theo quy định được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng hoặc được nuôi dưỡng trong các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được xét miễn giảm học phí theo quy định hiện hành.

- Giảm tỷ lệ trẻ em phạm tội đặc biệt nghiêm trọng giai đoạn 2012 - 2015 là 10% so với cùng kỳ trước đó, giai đoạn 2015 - 2020 giảm 20%.

- Trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh thuộc hộ nghèo chuẩn Quốc gia và tỉnh được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí.

- 100% trẻ em nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý tại địa phương được triển khai mô hình chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp.

- Tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp lên 20/100.000 trẻ em vào năm 2015 và lên 25/100.000 trẻ em vào năm 2020.

- Giảm tối đa tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích; bị xâm hại tình dục; trẻ em vi phạm pháp luật và trẻ em nghiện ma túy.

- Đảm bảo 100% trẻ em được đăng ký khai sinh.

- Tăng tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em lên 85% vào năm 2015 và lên 99,8% vào năm 2020.

- Khai thác hiệu quả các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà thiếu nhi cấp huyện, Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng, trên 98% trẻ em được tham gia vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa lành mạnh.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

[...]