Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2013 thực hiện Kế hoạch 56-KH/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ chính trị Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 180/KH-UBND
Ngày ban hành 19/12/2013
Ngày có hiệu lực 19/12/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trần Thị Thái
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 19 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 56-KH/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA XI VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG TÌNH MỚI

Thực hiện Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thời gian qua:

Những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực,

từng bước ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được triển khai rộng khắp và được xã hội hóa, thu hút nhiều lực lượng xã hội tham gia. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội đạt kết quả khá tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác bảo đảm an sinh xã hội được đẩy mạnh, hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, hộ nghèo được tăng cường; nhiều vấn đề xã hội bức xúc cơ bản được giải quyết. Tình hình trẻ em được cải thiện nhiều mặt như: được nâng cao sức khỏe, được chăm lo học hành, được vui chơi giải trí, được tạo mọi điều kiện phát triển trí tuệ, nhân cách và tài năng, có 84% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; 55% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Theo kết quả điều tra cuối năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 42.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,01 %, hộ cận nghèo 31.782 hộ, chiếm tỷ lệ 7,51%. Trong đó, số trẻ em sống trong hộ nghèo 47.160 em, chiếm tỷ lệ 11,28 %, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 8.029 em, chiếm 1,92 % so với tổng số trẻ em.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng còn những khó khăn, thách thức như tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả hàng hóa thường xuyên biến động nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng biên giới. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, người chưa thành niên vi phạm pháp luật tuy được tập trung giải quyết kéo giảm nhưng còn ở mức cao.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1.  Mục đích:

Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh, để trẻ em được phát triển toàn diện và có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

2.  Yêu cầu:

Tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của gia đình đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Xác định đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em hôm nay nhằm phát triển bền vững lâu dài cho mai sau.

Nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được tiếp cận, được cung cấp các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục, tham gia diễn đàn trẻ em, sinh hoạt câu lạc bộ ở cơ sở.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

Ngoài việc phấn đấu thực hiện 15 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, cần tập trung các chỉ tiêu sau:

- Phấn đấu mỗi năm giảm 5% số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục.

- Mỗi năm, giảm 5% số vụ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật.

- Đến năm 2015, có 06 huyện, thị xã, thành phố; trên 45 xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình “Hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng” hoạt động có hiệu quả. Đến năm 2020, có 09 huyện, thị xã, thành phố và trên 90 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình này.

- Tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2013-2016 ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh đạt hiệu quả.

- Đến năm 2015, có trên 90% xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường phù hợp với trẻ em.

2. Nhiệm vụ:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xem đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, làm cho nhân dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền trẻ em.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hàng năm đưa các mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường và xã hội đối với nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Quan tâm hỗ trợ đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trẻ em trong hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi, vi phạm quyền trẻ em.

- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng gắn với việc phát huy vai trò phối hợp tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho các hoạt động hỗ trợ trẻ em. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, huy động nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

3. Giải pháp thực hiện:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp:

[...]