Kế hoạch 549/KH-BYT năm 2014 về thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong ngành y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 549/KH-BYT
Ngày ban hành 03/06/2014
Ngày có hiệu lực 03/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 549/KH-BYT

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG NGÀNH Y TẾ

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 29-CT/TW), căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW đến các cấp Ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động trong toàn ngành, nhằm phát huy kết quả đã đạt được, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người lao động, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TW gắn trách nhiệm của các đơn vị trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp Ủy, chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động.

2. Yêu cầu:

Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch thực hiện của Bộ Y tế; căn cứ nhiệm vụ được giao các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong các đơn vị chỉ đạo thực hiện đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trong toàn ngành Y tế; đảm bảo phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai ở mỗi cấp, đơn vị;

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Y tế, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với 2 nội dung sau:

+ Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ) trong ngành y tế;

+ Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành y tế trong công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, cơ sở lao động.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của ngành Y tế để đảm bảo người lao động trong ngành Y tế được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất khác được chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Giai đoạn 2014-2015

2.1.1. Đối với công tác AT,VSLĐ trong ngành Y tế:

- Trên 70% số đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Trên 30% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận, Chứng chỉ; trên 50% người lao động được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận.

- Trên 70% đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành Y tế được đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm và lập Hồ sơ vệ sinh lao động; Trên 70% số người lao động trong toàn ngành được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.

- Trên 90% người lao động trong ngành y tế được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc.

- Trên 90% người lao động trong ngành y tế được xác nhận làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

- Đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng trong ngành y tế được điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.

2.1.2. Đối với công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cả nước:

Trung bình hằng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động.

[...]