Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 5477/KH-UBND năm 2022 về hoạt động đối ngoại tỉnh Ninh Thuận năm 2023

Số hiệu 5477/KH-UBND
Ngày ban hành 15/12/2022
Ngày có hiệu lực 15/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5477/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 15 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TỈNH NINH THUẬN NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại (gọi tắt là Quy chế 272), Kết luận số 33-KL/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quy chế 272 (gọi tắt là Kết luận 33) và Hướng dẫn số 05-HD/BĐNTW ngày 26/3/2019 của Ban Đối ngoại Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy chế 272 và Kết luận 33 (gọi tắt là Hướng dẫn 05), Quy chế số 08-QC/TU ngày 30/12/2019 của Tỉnh ủy về Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (sửa đổi, bổ sung) (gọi tắt là Quy chế 08); Công văn số 4872/BNG-CNV ngày 02/11/2022 của Bộ Ngoại giao về việc báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023;

Căn cứ các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thông báo số 530-TB/TU ngày 02/12/2022; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2023 tỉnh Ninh Thuận như sau:

I. Quan điểm, mục đích, yêu cầu

1. Quan điểm

- Công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh phải bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành và cụ thể hóa chủ trương đối ngoại của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

- Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nâng cao năng lực dự báo tình hình; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, văn hóa gắn với mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030).

2. Mục đích

- Cụ thể hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tạo bước chuyển biến mới nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác đối ngoại, chủ động đưa nội dung kinh tế vào các hoạt động đối ngoại nhằm thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh - chính trị trên địa bàn tỉnh.

- Làm căn cứ để chỉ đạo công tác đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân; quản lý Nhà nước về lĩnh vực đối ngoại; chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại.

3. Yêu cầu

- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại.

- Tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, xác định rõ đối tác chiến lược trong quan hệ hợp tác đối ngoại. Trên cơ sở đó, có kế hoạch xúc tiến phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tác cụ thể. Trọng tâm thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng cảng biển, khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, du lịch; phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững,...

- Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại, các chương trình nghệ thuật độc đáo, giàu bản sắc dân tộc nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Ninh Thuận.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác về đối ngoại nhân dân. Tiếp tục rà soát các điều kiện cần thiết để thành lập các Hội hữu nghị với các nước có đủ điều kiện để làm cơ sở cho việc thành lập Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị của tỉnh.

II. Bối cảnh, tình hình và định hướng trọng tâm công tác đối ngoại năm 2023

1. Bối cảnh, tình hình

- Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc tiếp tục gia tăng; xung đột Nga-Ukraine có nhiều diễn biến mới với việc Nga xúc tiến việc sát nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine; căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên.

- Tình hình trong nước, thế và lực của đất nước sau 36 năm đổi mới nền kinh tế, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả; tính tự chủ được cải thiện mạnh mẽ, tích luỹ ngày càng lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố, mở rộng trên trường quốc tế (Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009 và nhiệm kỳ thứ hai năm 2020-2021 và được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ năm 2023-2025).

Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng trở lại tại nhiều nước, xuất hiện thêm các biến thể mới; bệnh đậu mùa khỉ và dịch do virus có nguy cơ lây nhiễm cao trên toàn cầu. Vấn đề an ninh lương thực trở nên đáng báo động, tác động nặng nề đến các nước đang phát triển. Khủng hoảng năng lượng trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định của châu Âu, đặc biệt trong mùa đông tới. Bất ổn chính trị, bạo lực, xung đột vũ trang nhất là chủ nghĩa khủng bố diễn biến phức tạp. Hệ lụy kéo dài của các cuộc xung đột, khủng hoảng lương thực, năng lượng sẽ làm gia tăng áp lực lên đời sống người dân, gây ra mất ổn định xã hội. Các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, đặt ra nhu cầu chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ mới.

Trong tỉnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, các chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh có bước phục hồi, thời tiết và nguồn nước thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, nổi lên một số khó khăn mới so với dự báo, tác động của tình hình thế giới và cả nước, nhất là giá cả nguyên, nhiên vật liệu và chi phí đầu vào tăng; các cơ chế chính sách liên quan điện gió, điện mặt trời chậm ban hành đã ảnh hưởng, tác động đến tình hình thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm, quán triệt phương châm hành động của Chính phủ, Tỉnh đề ra phương châm hành động năm 2022 “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã triển khai, cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh sát hợp với tình hình thực tiễn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội.

Trước bối cảnh đó, tỉnh Ninh Thuận đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung các giải pháp đột phá vào các lĩnh vực còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống người dân; cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm ổn định và phục hồi phát triển; sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo được thực hiện tốt hơn. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện quan trọng trên địa bàn tỉnh, nhất là kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh. Công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm, giao quân an toàn, đạt chỉ tiêu, công tác diễn tập khu vực phòng thủ đạt kết quả; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí được quan tâm triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

2. Định hướng trọng tâm công tác đối ngoại năm 2023

a) Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Quyết định 272 và Quy chế 08-QC/TU ngày 30/12/2019 của Tỉnh ủy về Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (sửa đổi, bổ sung) thay thế Quyết định số 136-QĐ/TU ngày 28/12/2015 của Tỉnh ủy ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại (chuẩn bị sửa đổi).

b) Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, Kết luận 33 và Hướng dẫn 05. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, và địa phương cần làm tốt công tác xây dựng Kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm theo quy định. Trước khi tổ chức đoàn đi, cần xây dựng chương trình, nội dung làm việc thiết thực, thành phần gọn nhẹ để đảm bảo hiệu quả, chất lượng chuyến thăm. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài từ việc tổ chức, xác định mục đích cho đến triển khai kết quả chuyến thăm nhằm đảm bảo sự hài hòa và cân đối giữa các khu vực và đối tác, điều tiết mật độ các đoàn đi một cách hợp lý, không trùng lắp nội dung và thuận lợi cho việc theo dõi, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ. Tiến hành tổng kết, báo cáo kết quả, rút kinh nghiệm sau các chuyến công tác.

c) Tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết tại Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết của Trung ương về hội nhập quốc tế (Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới); Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới; Nghị quyết của địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nước ta đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 22/7/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 50-CTr/TU ngày 19/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế nhằm góp phần tái cơ cấu kinh tế địa phương, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai thực hiện Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 03/10/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

[...]