Kế hoạch 54/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghị quyết 06-NQ/TU và 16/2021/NQ-HĐND năm 2024 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 54/KH-UBND
Ngày ban hành 23/02/2024
Ngày có hiệu lực 23/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Văn Diện
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 23 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI, NGHỊ QUYẾT SỐ 06-NQ/TU NGÀY 17/5/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2021/NQ-HĐND NGÀY 16/7/2021 CỦA HĐND TỈNH NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tại văn bản số 48/BDT-KHTH ngày 22/01/2024 và ý kiến đồng ý của các thành viên UBND tỉnh (văn bản xin ý kiến số 306/VPUBND-VHXH ngày 26/01/2024 của Văn phòng UBND); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh năm 2024 (sau đây viết tắt là Chương trình), gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục cụ thể hóa Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 và Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh;

- Góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm 2024 theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với chủ đề công tác năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

- Xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phân công, phân cấp rõ ràng, với quyết tâm cao nhất để cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã đề ra cả giai đoạn 2021-2025 ngay trong năm 2024, nhất là mục tiêu về nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Từ đó, góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 phải bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, cụ thể hóa các Nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai, tổ chức thực hiện, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn.

- Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, đánh giá tiến độ kết quả, triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ NĂM 2024

Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã được xác định tại Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh 5 năm, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Trong đó một số mục tiêu cụ thể là:

1. Phấn đấu hết năm 2024 thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt khoảng 100,0 triệu đồng/người/năm (tăng 26,652 triệu đồng/người/năm so với năm 2023; tăng 2,2 lần so với năm 2020). Các xã không còn hộ nghèo, giảm 50% số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của HĐND tỉnh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời.

2. Hoàn thành hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn theo Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Mỗi xã có ít nhất 01 mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

3. 100% cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mới và dạy học tăng cường tiếng Việt. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đảm bảo 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và có ít nhất 65% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

4. Duy trì 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu quốc gia y tế xã giai đoạn 2020, phấn đấu 85% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu quốc gia y tế xã giai đoạn 2030; trên 98% đồng bào DTTS có BHYT, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11%.

5. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề đạt 87%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 51%; 100% học sinh DTTS được định hướng nghề nghiệp, phấn đấu 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở được phân luồng vào học nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề.

6. Tỷ lệ hộ gia đình vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT đạt trên 70% và nâng cao mức độ đạt các thông số nhóm A, nhóm B theo quy định). Trên 90% số rác thải sinh hoạt của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được thu gom, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

7. Duy trì 100% các thôn được phủ sóng điện thoại di động và hạ tầng băng thông rộng cáp quang; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

8. Hoàn thành việc xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao tại 15 xã1; xây dựng, khôi phục bảo tồn giá trị văn hóa 04 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh2.

9. 100% xã, thôn, bản thường xuyên được xây dựng, trang bị và củng cố kiến thức, kỹ năng đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, công an viên. 100% số xã, thôn, bản xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình kết hợp dân - quân trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, bảo tồn văn hóa, giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng tối thiểu 01 mô hình an ninh cơ sở để đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn.

10. Hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - tỉnh Quảng Ninh (OCOP)” năm 2024 tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021; Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 29/10/2021 và Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh, trong đó chú trọng, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

[...]