Nghị quyết 176/NQ-HĐND năm 2023 về Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 176/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2023
Ngày có hiệu lực 08/12/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Xuân Ký
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Cản cứ Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 3300/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2023; các Báo cáo số 309/BC-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2023, số 325/BC-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2023, số 337/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành với Báo cáo số 309/BC-UBND ngày 22/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2023; ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Ủy ban nhân dân các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với đánh giá, nhận định: Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách; tỉnh phải triển khai khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế trước đây theo các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và chưa kiện toàn đủ lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh. Song kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, tinh thần cải cách, đà phát triển kinh tế 02 con số liên tục trong 09 năm liên tiếp (2015 - 2023). GRDP năm 2023 ước tăng 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng thứ nhất các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, đứng đầu cả nước. Tiếp tục tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính, phát triển cân đối giữa các vùng miền, nâng cao mức sống và chất lượng sống nhân dân; tạo chuyển biến lớn trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.500 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm. Diện mạo Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại ngày càng rõ nét. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt được nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Quảng Ninh tiếp tục giữ vừng vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Điều 2. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức dự báo có thể nhiều hơn, nhất là yếu tố đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP bền vững trên 10% đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 khi quy mô nền kinh tế hết năm 2023 đã ở mức cao. Triển khai Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm 2024 là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, chủ động, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững hai con số. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, chăm lo các đối tượng chính sách. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%. (2) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt trên 13.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. (3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 03 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%. (5) Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 73%. (6) Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

b) Về xã hội: (7) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 51%; tạo ra ít nhất 30.000 việc làm tăng thêm. (8) Có trên 91% trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có trên 21% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); đạt 57,2 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sỹ/1 vạn dân; 2,8 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,5% dân số. (9) Toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết sô 13/2023/NQ-HĐND ngày 30/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

c) Về môi trường: (10) Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9% (trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt trên 70%). (11) Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 97,6%; Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại các đô thị tập trung của các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên đạt khoảng 55%. (12) Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

3.1. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu

a) Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than theo quy hoạch

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, kết nối lao động; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu (trong nhóm Forbes 500), có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong... Hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, đẩy nhanh triển khai các dự án của các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng như dự án xây dựng Nhà máy ô tô Thành Công, dự án nhà máy FMNV Foxcon, dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, dự án nhà máy sản xuất màn hình tivi TCL...

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giải quyết nhanh chóng thủ tục cấp phép, gia hạn, nâng công suất, thăm dò, khai thác than, giải phóng mặt bằng, giao đất, thuê đất theo thẩm quyền. Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giữ vững vai trò là một trung tâm năng lượng của quốc gia. Chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Bảo đảm cung ứng đủ than cho nhiệt điện và đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản phân tán nhỏ lẻ và đóng cửa các mỏ đá, sét đúng lộ trình theo quy hoạch và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Phát triển tối đa lĩnh vực xây dựng công nghiệp và dân dụng; khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng tại chỗ.

b) Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ; tăng mức chi tiêu, doanh thu và hiệu quả kinh tế du lịch. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long, Quảng Ninh; tập trung phát triển mạnh thị trường khách Đông Bắc Á, Trung Quốc. Phấn đấu thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia như: Khu du lịch Hạ Long, Khu du lịch Vân Đồn, Khu du lịch Trà Cổ; thu hút đầu tư các khu Resort ở Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô; phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo sinh thái chất lượng cao tại Đầm Hà, Tiên Yên; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch đang triển khai; sớm triển khai dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn, đưa Khu du lịch sinh thái Vân Hải (Quan Lạn, Vân Đồn) vào hoạt động; phát triển các sân golf theo quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác sân golf Đông Triều, Hạ Long Xanh. Phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm tại Hạ Long, du lịch sinh thái tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên; du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái tại Uông Bí, Đông Triều. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch; nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, bảo đảm lành mạnh, an ninh, an toàn cho du khách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Quản lý, khai thác bền vững Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, vịnh Cửa Lục... phục vụ phát triển kinh tế biển và du lịch

Phát triển hệ thống chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; triển khai đầu tư dự án Trung tâm thương mại tại Bãi Cháy, thành phố Hạ Long. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng cường kết nối, liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư. Tập trung phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới, hiệu quả.

Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch. Phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với trung tâm là khu cảng biển Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng du lịch Cát Bà - Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển đảo có tầm quốc tế.

c) Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

[...]