Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 5330/KH-UBND năm 2019 về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị

Số hiệu 5330/KH-UBND
Ngày ban hành 18/11/2019
Ngày có hiệu lực 18/11/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Hà Sỹ Đồng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5330/KH-UBND

Quảng Trị, ngày 18 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG VÀ CÔNG NHẬN SẢN PHẨM OCOP TỈNH QUẢNG TRỊ

Thực hiện Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và Kế hoạch số 4565/KH-UBND ngày 17/10/2018 về việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khuyến khích các tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh...) tham gia chương trình OCOP đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đảm bảo các quy định tại Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

- Thông qua đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần triển khai thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018- 2020 và làm tiền đề cho việc xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 -2030.

2. Yêu cầu

- UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đánh giá tất cả các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm được đánh giá đạt điểm 3 sao trở lên được tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm ở cấp tỉnh.

- Các Sở, ngành liên quan cử cán bộ lãnh đạo tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh đúng thành phần và thời gian để thực hiện việc đánh giá đạt kết quả tốt; cử cán bộ của Tổ giúp việc Chương trình OCOP tham gia hỗ trợ công tác hồ sơ cho Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh.

- Việc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP yêu cầu tổ chức chặt chẽ, khách quan, đúng quy định.

- Thông qua đánh giá, phân hạng và công nhận các sản phẩm, tuyên truyền đến các địa phương, cộng đồng nhằm khích lệ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.

II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

1. Cấp huyện

Các sản phẩm của các chủ thể sản xuất đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

2. Cấp tỉnh

Các sản phẩm của các chủ thể sản xuất đã được đánh giá ở cấp huyện đạt điểm 3 sao trở lên được tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm ở cấp tỉnh.

III. THỜI GIAN

1. Đối với cấp huyện

Hoàn thành trước ngày 10/12 hàng năm. Sau đó chọn những sản phẩm đạt điểm 3 sao trở lên gửi hồ sơ về Ban Điều hành Chương trình OCOP tỉnh (qua Chi cục Phát triển nông thôn) trước ngày 15/12 hàng năm để tham gia đánh giá, phân hạng và trình cấp có thẩm quyền quyết định công nhận hạng sao đối với sản phẩm (UBND tỉnh quyết định công nhận hạng 3-4 sao; hạng 5 sao do Trung ương công nhận).

2. Đối với cấp tỉnh

Hoàn thành việc đánh giá và phân hạng sản phẩm trước ngày 31/12 hàng năm.

IV. NỘI DUNG

1. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện (Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng cấp huyện)

1.1. Hội đồng cấp tỉnh: Có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:

+ Chủ tịch Hội đồng: Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ủy viên là đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Công thương, Khoa học - Công nghệ, Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các Chi cục: Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế), Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh (Ủy viên thường trực Hội đồng).

+ Mời TS. Trịnh Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Tư vấn Trưởng Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị năm 2019) tham gia làm thành viên cố vấn cho Hội đồng cấp tỉnh.

+ Tổ giúp việc Hội đồng cấp tỉnh thực hiện công tác tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ phân hạng sản phẩm của các địa phương gửi về; tham mưu, giúp việc cho Hội đồng cấp tỉnh trong việc tổ chức đánh giá, phân hạng. Ngoài ra, mòi thêm một số chuyên gia tư vấn ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, tư vấn thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm Quảng Trị tham gia Tổ giúp việc.

[...]