Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2300/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 2300/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/10/2014
Ngày có hiệu lực 09/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2300/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW, NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 2014 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số114/TTr-SVHTTDL, ngày 15 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành có liên quan, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 41-CTR/TU, NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2014 CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW, NGÀY 09 THÁNG 6 NĂM 2014 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC
(Ban hành kèm Quyết định số 2300/QĐ-UBND, ngày 09 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Tỉnh ủy với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG 15 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

1. Những kết quả đạt được

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, hoạt động văn hóa trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.

- Các cuộc vận động trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân; phong trào đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng, khơi dậy và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nguồn lực của Nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Công tác gia đình được triển khai đồng bộ, đạt kết quả; mô hình phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội đã được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm; những nét đẹp truyền thống trong mối quan hệ ứng xử, tình cảm giữa người và người được gìn giữ và ngày càng được nhân rộng; các giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình Việt Nam được gìn giữ và kế thừa; gia đình văn hóa trở thành lực lượng nồng cốt thực hiện các phong trào thi đua, nhiều gương Gia đình văn hóa tiêu biểu trở thành các nhân tố điển hình tiên tiến ở cơ sở. Thông qua các hoạt động đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến ngày 31/12/2013, toàn tỉnh có 80,62% % ấp văn hóa, 94,88% gia đình văn hóa; số vụ bạo lực gia đình giảm hàng năm (số vụ năm 2005: 933 vụ; năm 2010: 562 vụ; năm 2011: 313 vụ; năm 2012: 176 vụ, năm 2013: 116vụ).

- Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể được chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 83 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (gồm 01 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia và 57 di tích cấp tỉnh); trong 83 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng có 72 di tích lịch sử, 04 di tích kiến trúc nghệ thuật, 06 di tích khảo cổ và 01 di tích danh lam thắng cảnh. Trong những năm qua, thực hiện việc phân cấp quản lý di tích đã góp phần tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di tích.

Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được gìn giữ và phát huy, công tác kiểm kê được tiến hành thường xuyên, một số di sản phi vật thể đạt tiêu chí theo quy định đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Di sản Lễ Kỳ Yên đình Gia Lộc và Đờn ca tài tử Nam bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 12 năm 2012); đặc biệt Tây Ninh vinh dự là 01 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận di sản đại diện của nhân loại. Thông qua các hoạt động phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, các lễ hội được phục hồi, hoạt động theo đúng pháp luật. Một số hoạt động lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch khá độc đáo, gắn với việc quảng bá hình ảnh của Tây Ninh như: Hội Xuân Núi Bà, Động Kim Quang, về nguồn tại Trung ương Cục, lễ hội chiến thắng Tua Hai, họp mặt truyền thống Hội thề Rừng Rong, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu, Hội Yến Diêu Trì cung… ; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân được quan tâm.

- Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, là nơi để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục cộng đồng, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt, nâng cao mức hưởng thụ, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong Nhân dân; kết quả đã xây dựng được 78 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, 10 Nhà Văn hóa dân tộc.

- Hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật phát triển, đa dạng và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

- Nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật đạt giải khu vực và toàn quốc, sự phát triển các đội văn nghệ quần chúng của các ngành, lực lượng vũ trang, địa phương, các câu lạc bộ hát với nhau, đờn ca tài tử - cải lương đã tạo ra một phong trào ca hát quần chúng rộng khắp từ tỉnh đến tận khu dân cư; đặc biệt nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử - cải lương luôn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 309 hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật, trong đó có 44 hội viên ở các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương; có 285 đội, nhóm đờn ca tài tử, khoảng 150 đội văn nghệ quần chúng, với lực lượng văn nghệ quần chúng phong phú, đa dạng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của Nhân dân; phục vụ tốt các sự kiện trọng đại của dân tộc, các ngày lễ lớn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đã và đang góp phần động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Công tác nghiên cứu sưu tầm được quan tâm đầu tư góp phần tạo ra các sản phẩm văn hóa có chất lượng, gìn giữ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

- Hoạt động thông tin truyền thông, nhất là thông tin đại chúng được đầu tư phát triển, chất lượng thông tin báo chí từng bước được nâng lên.

[...]