Kế hoạch 48/KH-UBND kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 05/03/2024
Ngày có hiệu lực 05/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 05 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG THỰC HIỆN KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ, VĂN HÓA CÔNG SỞ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2024

Căn cứ Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp;

Căn cứ Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp;

Thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 30/3/2023,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và kiểm tra việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thông qua kiểm tra để đánh giá tình hình thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao; bảo đảm các chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đúng quy định; góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Nâng cao hiệu quả tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của công dân, tổ chức; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn thư.

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những nội dung về thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; phát hiện những tồn tại, khuyết điểm, khó khăn, bất cập; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp xử lý; nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra bảo đảm đúng pháp luật, khách quan, chính xác, trung thực, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân là đối tượng kiểm tra.

- Có kết luận, đánh giá rõ ràng, cụ thể những vấn đề về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị; các kiến nghị, đề xuất phù hợp với tình hình thực tế và quy định pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG, THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Đối tượng kiểm tra

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (bao gồm các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn).

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

2. Thành phần Đoàn Kiểm tra

Đoàn kiểm tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm:

- Trưởng đoàn: 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

- Phó Trưởng đoàn: Đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ.

- Thành viên: Công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ.

3. Phương pháp kiểm tra

3.1. Đối với kiểm tra theo kế hoạch

- Đoàn kiểm tra xây dựng lịch kiểm tra, thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiểm tra, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng báo cáo theo nội dung kiểm tra tại Kế hoạch này và báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra.

[...]