Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2024 khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 về kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số sở, ngành và cán bộ, công chức; công tác cải cách hành chính và nâng cao bộ tiêu chí cần quan tâm, cải thiện do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 163/KH-UBND
Ngày ban hành 30/05/2024
Ngày có hiệu lực 30/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hà Minh Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/KH-UBND

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ ĐƯỢC CHỈ RA SAU HỘI NGHỊ KIỂM ĐIỂM NĂM 2023 VỀ KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH; TÌNH TRẠNG NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT SỐ SỞ, NGÀNH VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC; CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ NÂNG CAO BỘ TIÊU CHÍ CẦN QUAN TÂM, CẢI THIỆN

Tại Hội nghị Kiểm điểm công tác năm 2023 của Ban Cán sự Đảng và tập thể lãnh đạo UBND Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố và tập thể UBND Thành phố đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm 2023, trong đó có nội dung: “Kỷ cương hành chính có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong đợi. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số sở, ngành và cán bộ, công chức…ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ. Công tác cải cách hành chính và nâng cao bộ tiêu chí của Thành phố cần tiếp tục được quan tâm, cải thiện”.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc.

- Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC); tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí về CCHC để phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành Kế hoạch CCHC giai đoạn của Thành phố.

2. Yêu cầu

- Nội dung Kế hoạch bảo đảm thống nhất với các nhiệm vụ đã được xác định tại các văn bản chỉ đạo của Thành phố liên quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, CCHC.

- Kế hoạch được triển khai tới 100% các cơ quan, đơn vị thuộc UBND Thành phố; quá trình tổ chức, thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định.

II. NỘI DUNG

1. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số sở, ngành và cán bộ, công chức ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ

1.1. Quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND Thành phố. Trực tiếp, chủ động giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Quyết định công việc theo thẩm quyền và không trình UBND Thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố những công việc thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, toàn diện trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.

1.2. Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

1.3. Khi giải quyết công việc, Thủ trưởng các cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực, phối hợp có hiệu quả với Thủ trưởng các cơ quan có liên quan. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.

1.4. Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình UBND Thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch còn ý kiến khác nhau giữa các cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án thì Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình UBND Thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố theo đúng quy định của Quy chế làm việc của UBND Thành phố.

1.5. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã

a) Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương lên UBND Thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và Sở, ban, ngành; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố để né tránh trách nhiệm.

b) Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã đến thời hạn giải quyết.

1.6. Thủ trưởng các Sở, cơ quan tương đương Sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố:

a) Tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

b) Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

c) Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định.

d) Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

2. Nâng cao hiệu quả công tác CCHC; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí về CCHC để phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành CCHC của Thành phố

2.1. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; tập trung triển khai, hoàn thành 100% các nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024 của Thành phố, Kế hoạch CCHC của các cơ quan, đơn vị và các chỉ tiêu, mục tiêu được Thành phố đề ra tại Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 01/6/2021 về Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; định kỳ thực hiện kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sáng kiến trong công tác CCHC (trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể tại Biểu kèm theo Kế hoạch). Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí về CCHC, phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành CCHC của Thành phố.

2.2. Tập trung tham mưu UBND Thành phố, phối hợp với các cơ quan chức năng của Chính phủ và Quốc hội hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi để trình với Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5/2024. Rà soát, tham mưu xây dựng văn bản triển khai Luật Thủ đô sau khi được thông qua đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

[...]