Kế hoạch 48/KH-UBND thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 48/KH-UBND
Ngày ban hành 13/06/2011
Ngày có hiệu lực 13/06/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 48/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 06 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiếp công dân nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

2. Yêu cầu:

- Quán triệt đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân.

- Khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân hiện nay; đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

- Làm rõ vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp công dân, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan nhà nước.

- Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 6/2011.

Để đổi mới công tác tiếp công dân, cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải coi việc tiếp công dân là nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức. Công tác tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, tổ chức. Việc kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức phải gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp dân.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, không kể việc tiếp công dân theo yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất. Lịch tiếp công dân được xây dựng cho 6 tháng 1 lần và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi tiếp công dân. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND, Thủ trưởng và cấp phó cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp tham gia các buổi tiếp công dân theo lịch. Trường hợp có lý do chính đáng phải hoãn việc tiếp dân, thì phân công lại hoặc bố trí vào thời gian tiếp theo và phải thông báo trước cho nhân dân biết.

Sau khi tiếp công dân phải có thông báo việc tiếp công dân hoặc văn bản trả lời kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trực thuộc trong công tác tiếp công dân, bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác tiếp công dân, đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc cho Trụ sở Tiếp công dân.

- Việc tiếp công dân gắn với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thì đích thân Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp dân và có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” phức tạp.

- Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác tiếp công dân tới cán bộ công chức nói chung và cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân nói riêng. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tiếp công dân.

2. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của cơ quan tiếp công dân

Thực hiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tiếp công dân các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh như sau:

a) Về mô hình tổ chức:

[...]