Kế hoạch 478/KH-UBND năm 2020 về hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2020-2030

Số hiệu 478/KH-UBND
Ngày ban hành 09/09/2020
Ngày có hiệu lực 09/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 478/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 09 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG TIẾN TỚI LOẠI TRỪ HIV, VIÊM GAN B VÀ GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG, GIAI ĐOẠN 2020 - 2030

PHẦN I

THỰC TRẠNG DỰ PHÒNG HIV, VIÊM GAN B VÀ GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON

1. Tình hình triển khai hoạt động dự phòng HIV, Viêm gan B và Giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

a) Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

- Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Đến năm 2016, các can thiệp về dự phòng HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào hệ thống Chăm sóc sức khỏe sinh sản[1], từ đó định kỳ hàng năm, ngành Y tế đã phối hợp với các Ban, ngành liên quan và các huyện/thành phố tổ chức triển khai Tháng cao điểm về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV năm 2016 đạt 89,7%; năm 2017 đạt 85%; năm 2018 đạt 78,5 %; năm 2019 đạt 88%; tỷ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV năm 2016 đạt 63%; năm 2017 đạt 62,9%; năm 2018 đạt 53%; năm 2019 đạt 78%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong mang thai năm 2017 đạt 22,01%; năm 2018 đạt 22,02%; năm 2019 đạt 27,7%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ năm 2017 đạt 62,4%; năm 2018 đạt 56,1%, năm 2019 đạt 68,5%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ năm 2017 đạt 76,8%; năm 2018 đạt 80,4%; năm 2019 đạt 80,5%.

- Tính đến ngày 31/12/2019, số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện 19 trường hợp (05 phụ nữ trong thời kỳ mang thai và 14 phụ nữ trong thời kỳ chuyển dạ), phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là 20 trường hợp (10 phụ nữ trong thời gian mang thai và 10 phụ nữ trong thời gian chuyển dạ). Tổng số trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị dự phòng là 28 trẻ, trong đó có 25 trẻ âm tính và có 03 trẻ phát hiện dương tính với virus HIV (năm 2013: 02 trường hợp, năm 2018: 01 trường hợp).

- Về đào tạo, tập huấn: Các cán bộ phụ trách hoạt động chống HIV/AIDS từ tuyến tỉnh đến huyện, xã/phường đều đã được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có chuyên đề về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Về kinh phí thực hiện: chủ yếu từ nguồn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được Trung ương cấp hàng năm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung. Kể từ năm 2016 đến nay, hoạt động cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được hỗ trợ thêm từ nguồn kinh phí đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020 tại tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết số 41/2014/NQ-HĐND ngày 18/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, kinh phí dành riêng cho hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn hạn chế.

- Sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm sàng lọc HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai còn thấp, chưa đủ bao phủ để thực hiện cho tất cả số phụ nữ mang thai hàng năm trên phạm vi toàn tỉnh. Riêng sinh phẩm, hóa chất để lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV do Trung ương cấp, gây khó khăn trong việc chủ động lấy mẫu để gửi Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm.

b) Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con

- Viêm gan vi rút B là một trong 2 loại viêm gan do vi rút có gánh nặng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh xơ gan và ung thư gan.

- Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin Viêm gan B, đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ lây truyền vi rút Viêm gan B cao từ mẹ sang con nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh bao gồm 1 mũi Viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và ít nhất 02 mũi vắc xin Viêm gan B nhắc lại, lý tưởng nhất là 03 mũi thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Các bà mẹ mắc vi rút Viêm gan B mạn tính vẫn được khuyến khích cho con bú nếu trẻ được tiêm phòng trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

-Tại tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Viêm gan B trong 24 giờ sau sinh năm 2017: 83,7%, năm 2018: 83,2%, năm 2019: 79,9%; tỷ lệ trẻ tiêm đủ 3 mũi vắc xin Viêm gan B qua các năm là năm 2017: 93,1%, năm 2018: 76,3%, năm 2019: 86,8%.

- Tính đến 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, vắc xin Viêm gan B đơn liều tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh đang triển khai tại 9 cơ sở y tế thực hiện tiêm vắc xin Viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trong đó bao gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh, 07 khoa sản của Trung tâm Y tế các huyện: Tuy Đức, Đắk R’Lấp, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô; 01 nhà hộ sinh Đức Hạnh và 57 xã có thực hiện đỡ đẻ.

- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm Viêm gan B năm 2017: 72,8% (7.587/10.417), năm 2018: 64,4% (6.477/10.057), năm 2019: 45,2% (4359/9651).

c) Dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con

- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm bệnh Giang mai nếu không điều trị kịp thời sẽ lây truyền cho thai nhi qua đường máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tính mạng của thai nhi. Sức đề kháng và các bộ phận của thai nhi chưa phát triển toàn diện nên đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh Giang mai bẩm sinh của trẻ.

- Tại tỉnh Đắk Nông, qua theo dõi đánh giá từ năm 2017, 2018, 2019 chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh Giang mai ở phụ nữ tuổi sinh đẻ.

d) Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ trẻ em

Mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) nói riêng tại tỉnh đã được bao phủ. Các cơ sở y tế cũng như mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS được thiết lập từ tỉnh, huyện, xã và thôn bản. Đặc biệt, 61/71 xã/phường đã có bác sĩ, 733 y tế thôn buôn, 102 cô đỡ thôn bản.

đ) Hệ thống thông tin, thống kê y tế

Trong những năm gần đây, hệ thống thông tin, thống kê y tế đã được củng cố và ngày một hoàn thiện. Phần mềm thống kê, báo cáo thuộc lĩnh vực CSSKSS đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước. Hệ thống thống kê báo cáo từ xã lên huyện, tỉnh và Trung ương đã cung cấp số liệu tương đối hoàn chỉnh, với các chỉ số ngày càng toàn diện hơn. Số liệu báo cáo về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được tích hợp vào hệ thống báo cáo sức khỏe sinh sản.

2. Những khó khăn, thách thức về dự phòng HIV, Viêm gan B và Giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

a) Khó khăn về kinh tế - xã hội

- Địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh Tây Nam bộ và Tây Bắc ngày càng nhiều đã ảnh hưởng lớn đến tình hình quản lý, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Mặt khác, môi trường sống và dịch tễ có nhiều phức tạp, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đói gắn liền với bệnh tật ở nhiều vùng dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng dân cư đa sắc thái văn hóa và ngôn ngữ, khó khăn khi tiếp cận để truyền thông, giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi, thói quen và thực hiện các dịch vụ y tế.

[...]