Kế hoạch 351/KH-UBND năm 2024 về hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030

Số hiệu 351/KH-UBND
Ngày ban hành 09/05/2024
Ngày có hiệu lực 09/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Bùi Đình Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 351/KH-UBND

Nghệ An, ngày 09 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG TIẾN TỚI LOẠI TRỪ HIV, VIÊM GAN B VÀ GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030;

Căn cứ các Quyết định của Bộ Y tế: số 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030; số 2834/QĐ- BYT ngày 04/7/2019 về việc phê duyệt hướng dẫn kỹ thuật của can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con; số 3310/QĐ-BYT ngày 29/7/2019 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B; và số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 về việc ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 767/KH-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Kế hoạch số 562/KH/UBND ngày 06/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai (sau đây gọi tắt là ba bệnh) lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 1: Đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng (Chỉ tiêu cụ thể theo hai giai đoạn có Phụ lục kèm theo).

b) Mục tiêu 2: Tăng cường nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền 03 bệnh từ mẹ sang con.

- 100% các đối tượng có nguy cơ được cung cấp tài liệu truyền thông các nguyên tắc dự phòng lây truyền ba bệnh từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được xây dựng và sử dụng rộng rãi.

- 100% các cuộc truyền thông về nguyên tắc dự phòng lây truyền ba bệnh từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được triển khai có sự tham gia của các đối tượng can thiệp bao gồm cả các nhóm bị ảnh hưởng.

c) Mục tiêu 3: Xây dựng mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp.

- Giai đoạn năm 2024 - 2025: Trên 80% mạng lưới tế công lập cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá can thiệp loại trừ ba bệnh từ mẹ sang con.

- Giai đoạn năm 2026 - 2030: Trên 90% y tế ngoài công lập cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá can thiệp loại trừ ba bệnh từ mẹ sang con.

- Thông tin về lây truyền ba bệnh từ mẹ sang con trở thành nội dung báo cáo thường quy và được lồng ghép vào trong hệ thống thông tin y tế sẵn có.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CAN THIỆP

1. Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ trong thời gian mang thai, chuyển dạ, sau đẻ, bà mẹ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ em.

2. Trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai.

3. Chồng, bạn tình, các thành viên trong gia đình của phụ nữ và các nhóm bị ảnh hưởng trong cộng đồng.

4. Cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em/ da liễu/ truyền nhiễm/ phòng chống HIV/AIDS/ y tế dự phòng ở tất cả các tuyến, ưu tiên cán bộ tuyến cơ sở.

5. Cán bộ quản lý liên quan đến lĩnh vực sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em/da liễu/ truyền nhiễm /phòng chống HIV/AIDS/ y tế dự phòng ở tất cả các tuyến.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác dự phòng ba bệnh

a) Tăng cường vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai kế hoạch.

b) Tổ chức hội thảo, hội nghị triển khai về tầm quan trọng của công tác dự phòng và kiểm soát ba bệnh cho lãnh đạo các cấp và các ban ngành đoàn thể để tăng cường việc cam kết và ủng hộ cho mục tiêu loại trừ 3 bệnh.

[...]