Kế hoạch 477/KH-UBND năm 2012 ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 – 2015

Số hiệu 477/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2012
Ngày có hiệu lực 22/02/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Minh Cả
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 477/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 22 tháng 02 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

A. Căn cứ lập Kế hoạch:

- Luật Công nghệ thông tin; Luật Giao dịch điện tử; Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá;

- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015;

- Quyết định số 2180/QĐ-UBND ngày 02/7/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghệ thông tin tỉnh Quảng Nam đến năm 2020.

B. Hiện trạng ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Nam:

I. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng:

1. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin:

Đến nay, đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng diện rộng (WAN), mạng nội bộ (LAN) cho các cơ quan Đảng:

- Về mạng diện rộng: Đã kết nối mạng diện rộng của Đảng qua đường truyền Megawan tốc độ cao đến 18/18 huyện, thành ủy; 5/5 đảng ủy trực thuộc, 5/5 Ban Đảng Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo Quảng Nam và mở rộng kết nối đến 187 đảng ủy xã, phường, thị trấn (đạt 80%).

- Xây dựng được 25 hệ thống mạng LAN, với quy mô bình quân mỗi mạng LAN có 2-3 máy chủ, các thiết bị mạng và 15 đến 25 máy trạm; riêng mạng LAN tại trụ sở Tỉnh ủy có 5 máy chủ (và 5 máy chủ dự phòng), các thiết bị mạng và trên 120 máy trạm.

2. Tình hình triển khai và mức độ sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung và ứng dụng các hệ thống thông tin tác nghiệp:

Đến nay, hầu hết các cơ quan Đảng đã bắt đầu hình thành và từng bước hoàn thiện quy trình làm việc trên mạng máy tính cục bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy.

- Đã triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung như: Cơ sở dữ liệu Quản lý hồ sơ đảng viên, Văn kiện đảng, Mục lục hồ sơ lưu trữ các cấp ủy, giúp cho việc quản lý, tra cứu được thuận lợi.

- Phần mềm kế toán được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

- Hệ thống xử lý công văn đi - đến, thư điện tử Lotus Ntes được người dùng trên mạng sử dụng để trao đổi thông tin, công việc, phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT để thay đổi phong cách, lề lối làm việc.

- Chương trình công tác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Ban và Văn phòng Tỉnh ủy được sắp xếp khoa học trên mạng, từ đó các đơn vị và cá nhân đều chủ động trong công việc và tự sắp xếp lịch làm việc riêng cho mình.

- Hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo như: Bản tin Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày, bản tin sinh hoạt chi bộ hàng tháng, thông tin tổng hợp tuần, thông tin chuyên đề, thông tin lý luận, trang thông tin điện tử của Tỉnh ủy,... được cập nhật đầy đủ, kịp thời trên mạng giúp cho lãnh đạo, chuyên viên trong hệ thống có được nhiều thông tin để phục vụ tốt công việc của mình.

- Việc tạo lập kênh kết nối Internet đã phát huy tác dụng rõ rệt trong việc cung cấp thông tin hàng ngày trên nhiều lĩnh vực ở các báo chí trên toàn quốc, từ đó các đơn vị đã tiết kiệm được một phần kinh phí mua báo chí, góp phần tiết kiệm chi trong từng đơn vị.

II. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước:

1. Về hạ tầng kỹ thuật:

Hầu hết các Sở, Ban, ngành, huyện, thành phố đã có mạng LAN và kết nối Internet, với tổng số máy chủ khoảng 87 máy, tổng số máy vi tính là 3.359, tỉ lệ máy tính/cán bộ công chức ở cấp tỉnh đạt 84% (trong đó 96% máy có nối mạng), ở cấp huyện đạt 70% (trong đó 80% máy có nối mạng). Ở cấp xã, số văn phòng Đảng ủy, UBND xã có máy tính là 220/243 xã, phường, thị trấn, trong đó 120 đơn vị có kết nối Internet.

Về kết nối mạng chuyên dùng Chính phủ, đến nay đã có 51 đơn vị kết nối mạng chuyên dùng Chính phủ, trong đó một số đơn vị có khai thác, sử dụng mạng này phục vụ việc kết nối Internet, ngoài ra chưa có ứng dụng hay trao đổi dữ liệu thông qua mạng chuyên dùng Chính phủ.

Trong năm 2011, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình với quy mô 19 điểm bao gồm các điểm cầu tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng UBND 17 huyện, thành phố, phục vụ công tác họp chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy và UBND tỉnh với các địa phương một cách kịp thời, hiệu quả đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, bão lụt,…

Hệ thống Trung tâm dữ liệu tỉnh hoạt động ổn định, với hạ tầng bao gồm 07 máy chủ, các trang thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ SAN, hệ thống điện, đường truyền kết nối Internet trực tiếp tốc độ 20Mbps,… Hiện nay, hệ thống đang phục vụ cung cấp dịch vụ web cho hơn 100 cơ quan, đơn vị của tỉnh, cung cấp các ứng dụng trực tuyến như quản lý văn bản, một cửa điện tử và các cơ sở dữ liệu khác.

2. Về ứng dụng CNTT:

[...]